Mỹ ngày 12/9 kêu gọi thêm hai ghế thường trực mới tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cho các quốc gia châu Phi, cùng với một vị trí luân phiên cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của LHQ: "Trong nhiều năm qua, các quốc gia đã kêu gọi thành lập một hội đồng toàn diện hơn và mang tính đại diện hơn, phản ánh đặc điểm nhân khẩu học của thế giới ngày nay và phản ứng tốt hơn trước những thách thức mà chúng ta phải đối mặt hôm nay".
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield tham dự cuộc họp của HĐBA LHQ về cuộc xung đột Hamas - Israel tại New York (Mỹ) ngày 4/9/2024.
Bà Thomas-Greenfield cho biết các quốc gia châu Phi sẽ quyết định nước nào sẽ đảm nhiệm 2 ghế thường trực của hội đồng.
Tuy nhiên, việc có ghế trong HĐBA LHQ không đồng nghĩa với việc các nước châu Phi hay các quốc đảo nhỏ đang phát triển có quyền phủ quyết. Bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh Mỹ không ủng hộ việc mở rộng quyền phủ quyết ra ngoài 5 quốc gia thành viên thường trực ban đầu, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
"Không ai trong số các thành viên thường trực muốn từ bỏ quyền phủ quyết của mình, kể cả chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi mở rộng quyền phủ quyết đó cho toàn bộ hội đồng, nó sẽ khiến hội đồng hoạt động kém hiệu quả hơn", bà Thomas-Greenfield nói.
Mỹ cũng ủng hộ vai trò đại diện thường trực trong HĐBA của các quốc gia ở Mỹ Latinh và vùng Caribe, nhưng không nêu rõ cụ thể nước nào.
Trước đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 11/9 ủng hộ cải cách HĐBA. Song bà Thomas-Greenfield cho biết: "Phần lớn vấn đề xung quanh vấn đề cải tổ HĐBA chỉ mang tính chất thảo luận".
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tìm cách hàn gắn mối quan hệ với châu Phi - nơi nhiều quốc gia không hài lòng về sự ủng hộ của Washington đối với cuộc xung đột của Israel ở Gaza, đồng thời tăng cường mối quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương để cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, theo Reuters, nỗ lực giành hai ghế thường trực cho các nước châu Phi và một ghế luân phiên cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển là động thái tiếp nối sự ủng hộ, vận động của Washington dành cho Ấn Độ, Nhật và Đức có thể nắm giữ ghế thường trực trong HĐBA LHQ.
Q.N (Theo Báo Thanh niên)