Chiều 7/9, tâm bão số 3 (Yagi) đã đi vào đất liền giữa Quảng Ninh - Hải Phòng. Cường độ bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Tại Vĩnh Phúc, mưa lớn kèm gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ trên đường, một số nhà cửa, trường học bị tốc mái, cột điện bị hư hại... Song, với tinh thần quyết liệt, chủ động ứng phó từ sớm, từ xa, đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản khắc phục những thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Chung tay phòng, chống bão
Sáng 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo không kịp thu hoạch lúa. Lo lắng cho diện tích hoa màu của gia đình bị ảnh hưởng, chị Bằng Thị Tư, thôn Lục Liễu bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của lực lượng Công an xã.
Công an xã Đạo Trù (Tam Đảo) giúp dân thu hoạch lúa trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.
Với phương châm "Vì nhân dân phục vụ", dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thanh Long, Trưởng Công an xã, ngay trong sáng 7/9, Công an xã Đạo Trù đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện cùng 22 thành viên Tổ an ninh trật tự các thôn trên địa bàn hỗ trợ gia đình chị Tư gặt lúa, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão gây ra.
Chiều 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, hàng loạt cây xanh trên đường Lý Thái Tổ, đoạn qua tổ dân phố Dẫu, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên bị đổ gục, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Ngay lập tức, nhiều người dân trong tổ dân phố Dẫu đã phối hợp cùng lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ, cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Đó chỉ là 2 số trong rất nhiều việc đã và đang được các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, nhân dân ở các địa phương trong tỉnh chung tay góp sức phòng, chống bão số 3.
Lúc này, tại khắp các địa phương trong tỉnh, bản tin cảnh báo bão được phát trên hệ thống truyền thanh nhiều lần trong ngày, kèm theo đó là những thông tin được cập nhật liên tục qua các nhóm Zalo thôn, xóm, tổ dân phố. Người dân được khuyến cáo chủ động thực hiện các phương án phòng, chống bão, ứng phó kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra.
Người dân phường Định Trung (Vĩnh Yên) thu dọn cây gãy đổ do mưa bão.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, cùng sự vào cuộc nhanh chóng, sẵn sàng nguồn lực của chính quyền, lực lượng chức năng, người dân trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Tất bật mua tích trữ rau xanh, cá, thịt để ứng phó bão số 3 trong phiên chợ sáng 7/9, chị Nguyễn Thu Hương, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: Để hạn chế ra khỏi nhà khi bão số 3 đổ bộ theo khuyến cáo của các cấp chính quyền, tôi tranh thủ đi chợ sớm để mua thực phẩm. Bên cạnh nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, tôi cũng dự trữ nước uống, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày, đề phòng mưa, lũ, lũ quét trước, trong và sau bão.
Ý thức được mức độ nguy hiểm của bão số 3, không chỉ riêng chị Hương mà người dân tại khắp các địa phương trong tỉnh đều nâng cao tinh thần cảnh giác, chung sức, đồng lòng cùng các cấp chính quyền tập trung phòng, chống bão.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 3 gây mưa rất lớn ở Bắc Bộ. Thời gian mưa lớn ở Đông Bắc Bộ tập trung ngày và đêm nay, sau đó mở rộng sang Tây Bắc Bộ. Đợt mưa kéo dài đến khoảng ngày 9/9 với tổng lượng mưa từ 150-350mm, có nơi trên 500mm. Khu vực Bắc Bộ khả năng xảy ra lũ.
Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão số 3 gây ra, ngay trong ngày 7/9, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 tại một số địa phương trên địa bàn. Qua kiểm tra, UBND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó bão tại các địa phương.
Trước diễn biến phức tạp của bão, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Các địa phương không được bị động, chủ quan, phải nắm chắc thông tin các điểm nguy hiểm, số hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng để có phương án ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố.
Đặc biệt tránh bị động nếu tình huống diễn ra vào ban đêm, tính toán kịch bản nếu mưa bão gây mất điện, mất sóng viễn thông. Phải lường trước các tình huống để có biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là khi có mưa lớn, nước dồn về nhanh.
Nhiều tuyến đường nước chảy xiết do mưa bão được lắp biển cảnh báo, gác chắn để đảm bảo an toàn cho người dân.
Các trạm bơm tiêu úng phải được kiểm tra kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ thiết bị, động cơ dự phòng, đáp ứng yêu cầu vận hành, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Trong ngày đầu tiên đổ bộ vào đất liền, đến thời điểm chiều 7/9, bão số 3 đã khiến nhiều cây xanh tại các địa phương trong tỉnh bị bật gốc, không ít diện tích hoa màu bị ngập lụt, nhà cửa bị tốc mái, cột điện bị hư hại…
Hiện, những thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra đã cơ bản được các địa phương khắc phục kịp thời. Tính đến chiều 7/9, toàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người. Công tác ứng phó bão số 3 đang được các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành rốt ráo, khẩn trương.
Bão số 3 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, thậm chí sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất còn hiện hữu. Bởi vậy, để giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra, việc chủ động các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị cũng như toàn thể nhân dân.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ