Vĩnh Phúc có trên 85 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất trồng lúa chiếm khoảng 35 nghìn ha, hàng năm tạo ra lượng rơm rạ khoảng 250 nghìn tấn. Theo tính toán của Trung tâm Kiểm nghiểm, chứng nhận chất lượng đất và vật tư nông nghiệp tỉnh, nếu như đốt toàn bộ lượng rơm rạ này thì mỗi năm Vĩnh Phúc bị thiệt hại về môi trường tương đương khoảng 9 - 10 triệu USD. Ngược lại, nếu xử lý được lượng rơm rạ này thành phân hữu cơ để sử dụng cho nông nghiệp thì hàng năm sẽ tiết kiệm được cả tỷ đồng. Việc đốt rơm, rạ không những lãng phí nguồn nhiên nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, thậm chí gây mất an toàn giao thông. Ngoài ra, việc đốt rơm, rạ trực tiếp ngay trên đồng ruộng còn làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngày càng nhiều các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... đã làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái đất, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy trong đất càng nhiều, dẫn đến phát sinh một số dịch hại không dự báo trước. Do vậy, xu hướng quay trở lại nền nông nghiệp hữu cơ với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong quá trình canh tác đã, đang là xu hướng chung của sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ là vấn đề hết sức có ý nghĩa, vừa góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí tài nguyên, vừa tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao để bón cho cây trồng. Có thể nói, sử dụng tốt nguồn nguyên liệu dồi dào này là trực tiếp khiến cho bộ mặt nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Gần đây, các nhà khoa học nước ta đã nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm thành công nhiều loại chế phẩm sinh học có tác dụng giúp ủ nhanh rơm rạ thành phân hữu cơ và được triển khai ứng dụng tại nhiều địa phương trong cả nước. Bio-decomposer được sản xuất bởi Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam, là một chế phẩm sinh học bao gồm tập hợp các vi sinh vật có ích đã được chọn lọc thử nghiệm hoạt tính. Các vi sinh vật có mặt trong Bio-decomposer gồm những chủng nấm có lợi, vi khuẩn và xạ khuẩn..., giúp phân giải nhanh các chất hữu cơ khó hấp thụ như: rơm rạ, trấu, mùn cưa, lá cây, các phần phụ phẩm nông nghiệp, xác động vật, phân động vật, rác... bằng quá trình ủ cho lên men để tạo phân hữu cơ thành dạng dễ hấp thụ cho cây trồng, rút ngắn thời gian ủ phân, rơm rạ và giảm ô nhiễm môi trường. Chế phẩm Biomix 1 do Trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc phân phối, là một chế phẩm sinh học bao gồm một tập hợp các vi sinh vật ưu nhiệt có ích, có tác dụng phân giải nhanh các phế thải hữu cơ như: rơm rạ, rác thải sinh hoạt hữu cơ, phân gia súc, gia cầm, chất xanh,... thành phân bón hữu cơ bổ sung cho đất, cây trồng, đồng thời rút ngắn thời gian ủ phân, rơm rạ và giảm ô nhiễm môi trường. Tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh, trứng giun sán trong phế thải; giảm chi phí cho sản xuất, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, phục vụ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mục tiêu nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại của việc đốt hoặc xả bừa bãi rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch ra đường giao thông, các công trình thủy lợi... gây ô nhiễm môi trường; tận dụng tối đa nguồn rơm rạ, tiết kiệm nguồn tài nguyên trong sản xuất để tái sử dụng làm phân bón hữu cơ góp phần cải thiện độ phì nhiêu của đất, giảm ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp...; Trung tâm Kiểm nghiểm, chứng nhận chất lượng đất và vật tư nông nghiệp Vĩnh Phúc đã thử nghiệm triển khai công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Ứng dụng chế phẩm sinh học Bio-decomposer và chế phẩm sinh học Biomix 1 chế biến rơm rạ thành phân hữu cơ tại đồng ruộng bón cho cây trồng trên diện tích 11ha thuộc địa bàn 3 huyện: Yên Lạc, Sông Lô và Tam Dương. Kết quả ban đầu cho thấy, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật này đã tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư, tạo ra khối lượng nông sản an toàn, đạt hiệu quả kinh tế cao song vẫn bảo đảm bồi dưỡng, nâng cao độ phì nhiêu của đất sản xuất nông nghiệp, làm cho kết cấu đất trồng trọt ngày càng tốt hơn, tạo ra năng suất, chất lượng nông sản có giá trị cao, tăng thu nhập cho hộ nông dân. Nâng cao sức khỏe người lao động, giảm thiểu khả năng gây hại cho môi trường và một số tác hại tiêu cực khác... Cụ thể, khi sử dụng kết hợp chế phẩm Bio-decomposer phun trực tiếp vào gốc rạ và dùng phân ủ bằng chế phẩm Bio-decomposer bón cho lúa thì thấy hiệu quả vượt trội so với đối chứng. Khi sử dụng kết hợp như vậy, chi phí đầu vào chỉ bằng với đối chứng xong năng suất tăng từ 34,2% so với đối chứng, dẫn đến hiệu quả tăng từ 152.700 - 239.000 đồng/sào. Khi sử dụng kết hợp chế phẩm Bio-decomposer phun trực tiếp vào gốc rạ và dùng phân ủ bằng chế phẩm Biomix1 bón cho lúa thì chi phí đầu vào tuy chỉ cao hơn so với đối chứng 124.000 đồng/sào nhưng năng suất lúa lại tăng 31,7% nên hiệu quả vẫn tăng từ 383.000 - 424.000 đồng/sào. Quan trọng hơn, toàn bộ khối lượng rơm rạ này khong những không bị đốt bỏ gây lãng phí và ảnh hường đáng kể tới môi trương mà còn đem lại nhiều lợi ích vật chất trực tiếp cho người nông dân. Thiết nghĩ, để góp phần vào sự phát triển nông nghiệp nói chung, ngành trồng trọt nói riêng theo hướng bền vững, tỉnh cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ người dân, các đơn vị trong ngành trong việc xây dựng mô hình chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật để khuyến khích người dân trong việc áp dụng, sử dụng các loại chế phẩm sinh học chế biến rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về kết quả, hiệu quả của việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học vào việc xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ tại đồng ruộng và hiệu quả của việc sử dụng các loại phân ủ từ chế phẩm nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để khuyến cáo rộng rãi và tuyên truyền đến các hộ nông dân sử dụng các loại chế phẩm nói trên cũng rất cần hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhiều mô hình trình diễn khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sử dụng các chế phẩm này có hiệu quả và hình thành thói quen giảm dần việc đốt, xả rơm rạ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Hình thành trong nông dân quan điểm tiết kiệm nguồn chất thải từ trồng trọt, vừa chống lãng phí trong sản xuất, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quang Nam |