Đó là chỉ đạo của đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi làm việc với ngành Giáo dục tỉnh về thực trạng, kết quả, phương hướng, tầm nhìn của ngành vào chiều 29/8.
Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo các phòng giáo dục huyện, thành phố; đại diện Ban Giám hiệu một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Khánh Linh
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đột phá để phát triển sự nghiệp GDĐT của tỉnh. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Hệ thống cơ chế, chính sách về giáo dục ngày càng được hoàn thiện. Mạng lưới các cơ sở giáo dục được rà soát, sắp xếp hợp lý; quy mô, hệ thống giáo dục ổn định và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 516 cơ sở giáo dục, trong đó, gần 70% trường học đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ nhân lực có hơn 18.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên với tỷ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn cao.
Chất lượng giáo dục được nâng cao và đảm bảo công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục. Nhiều năm liền, Vĩnh Phúc đứng tốp đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục; nổi bật là 2 năm liền đứng thứ Nhất toàn quốc về điểm thi tốt nghiệp THPT; tỷ lệ học sinh đạt giải thi học sinh giỏi cấp quốc gia được giữ vững và nâng cao...
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Khánh Linh
Thảo luận tại buổi làm việc, các ý kiến của cán bộ, giáo viên tập trung nêu những khó khăn của ngành; đồng thời kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh và Sở GDĐT quan tâm giải quyết các vấn đề như ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên; có cơ chế thu hút giáo viên hợp đồng; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các nhà trường; mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018, trường đạt chuẩn quốc gia; cấp kinh phí dạy thừa giờ đối với trường thiếu giáo viên; ban hành quy định pháp lý hoạt động của câu lạc bộ trong trường học; hướng dẫn cụ thể việc tổ chức số tiết dạy học của Chương trình GDPT 2018; giao thêm biên chế giáo viên cho các huyện, thành phố; tăng chỉ tiêu tuyển sinh THPT…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: Giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của con người và quốc gia. Một quốc gia có nền giáo dục tốt sẽ đào tạo được những con người tốt. Dân tộc Việt Nam luôn trọng sự học, đề cao vai trò của người thầy.
Giáo dục Vĩnh Phúc những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tiêu biểu như: Nhiều năm đứng tốp đầu cả nước về điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó, 2 năm vừa qua liên tục đứng đầu cả nước về điểm trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp THPT. Nhiều học sinh đạt giải thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực, quốc tế; tính đến năm 2023 là năm thứ 5 liên tiếp Vĩnh Phúc có học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và đạt giải;. Riêng năm học 2023 - 2024, học sinh của tỉnh đạt 89/98 giải thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, đứng thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ đạt giải (90,82% học sinh đạt giải); có 9 học sinh được tham dự thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia dự thi Olympic quốc tế; 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc tại cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev (IMChO) lần thứ 58...
Tuy nhiên, hiện nay, ngành GDĐT Vĩnh Phúc còn những khó khăn, hạn chế như thiếu trang thiết bị dạy học; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia thấp nhất trong 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng; thiếu gần 4.000 giáo viên; thiếu trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật; giáo dục ngoài công lập phát triển chậm; cơ sở giáo dục phục vụ con em công nhân khu công nghiệp ít, không đáp ứng được nhu cầu; chất lượng giáo dục cao nhưng chưa đồng đều; thực hiện đổi mới giáo dục còn chậm; giáo dục ngoại ngữ, tin học trong nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và yêu cầu hội nhập quốc tế…
Các đại biểu cùng dự buổi làm việc. Ảnh: Khánh Linh
Với quan điểm “GDĐT là quốc sách hàng đầu”, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đặt ra yêu cầu Vĩnh Phúc phải có chiến lược, giải pháp tương xứng với sự phát triển của tỉnh để thực hiện tốt mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Trong đó, quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng, tâm huyết, có tinh thần tự học, đổi mới, sáng tạo; tỉnh sẽ quan tâm ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho giáo viên đi học nâng cao trình độ.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phú Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Khánh Linh
Bên cạnh giáo dục tri thức phải chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng xã hội cho học sinh; đặc biệt không chạy theo thành tích, dạy thật, học thật, thi thật, điểm thật. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các nhà trường.
Sở GDĐT nghiên cứu công tác phân luồng sau THCS và chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT, chỉ ra những điểm bất hợp lý để tham mưu, đề xuất tỉnh về những giải pháp phân luồng phù hợp với thực tiễn, trong đó, tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT.
Đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, rèn kỹ năng sống để học sinh phát triển toàn diện; đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng trường học, không để học sinh học trong trường, lớp xuống cấp, mất an toàn.
Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Hồng Phương Nguyễn Thị Ngọc Hoa nêu kinh nghiệm huy động trẻ đến trường mầm non ngoài công lập. Ảnh: Khánh Linh
Tiếp tục quan tâm ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội trong giáo dục; thực hiện có hiệu quả phương châm "Lấy học sinh làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Minh Hường