Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, người cao tuổi đang dần làm quen với việc sử dụng các thiết bị thông minh. Nhờ đó đã tăng cường sự gắn kết các mối quan hệ, dễ dàng cập nhật, tìm kiếm thông tin… góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người cao tuổi.
Theo báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam, đầu năm 2024, cả nước có 78,44 triệu người dùng internet; trong đó, người từ 55 - 64 tuổi sử dụng internet chiếm 9,9% và từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3%. Hầu hết người cao tuổi chỉ dùng điện thoại để nghe, gọi và xem giờ, không sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán trực tuyến, xem tin tức trên trang báo điện tử...
Để giúp người cao tuổi tiếp cận với công nghệ số, Hội Người cao tuổi tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên các cơ sở hội tích cực làm quen, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đồng Cương (Yên Lạc) Nguyễn Văn Dũng sử dụng thành thạo máy vi tính trong công việc hằng ngày. Ảnh: Trà Hương
Chánh văn phòng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Cao Duy Đạt cho biết: “Thực hiện Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cấp Hội Người cao tuổi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên chủ động học tập, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc và cuộc sống hằng ngày.
Hiện nay, Ban đại diện Hội Người cao tuổi các huyện, thành phố trong tỉnh đều sử dụng thành thạo máy vi tính và điện thoại thông minh để trao đổi thông tin qua nhóm Zalo.
Việc ứng dụng công nghệ giúp công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; văn bản chỉ đạo, nghị quyết của tỉnh, của Hội được thực hiện thuận lợi và nhanh gọn hơn so với hình thức truyền thống”.
Mặc dù, trong quá trình tiếp cận công nghệ, người cao tuổi gặp nhiều trở ngại, khó khăn do tuổi tác đã cao, mắt kém, trí nhớ suy giảm; trong khi đó, các thiết bị điện tử đều được thiết kế cảm ứng cùng với giao diện phần mềm phức tạp, phông chữ nhỏ, khó đọc. Nhưng khi làm quen và sử dụng thành thạo các tính năng cơ bản thì người cao tuổi đều bày tỏ quan điểm tích cực, hứng thú tìm hiểu, ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày.
Thay vì phải đến ngân hàng để gửi tiền thì nay bà Bùi Thị Hải, 75 tuổi, chủ một cửa hàng điện tử ở phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên đã có thể thực hiện chuyển tiền nhanh gọn qua điện thoại thông minh.
Bà Hải cho biết: “Khi mới làm quen với điện thoại thông minh, tôi thấy có nhiều chức năng phức tạp nhưng được con cháu hướng dẫn nên giờ tôi đã sử dụng thành thạo. Chỉ sau vài thao tác quét mã, kiểm tra trên hệ thống ngân hàng trực tuyến, tôi có thể chuyển - nhận tiền một cách nhanh chóng, tiện lợi và giúp tôi quản lý tốt nguồn tiền kinh doanh hằng ngày”.
Những tiện ích mà thiết bị công nghệ thông minh và mạng xã hội mang lại cho người cao tuổi là rất lớn. Không chỉ sử dụng để đọc báo, tra cứu các thông tin cần thiết, xem các chương trình vui chơi, giải trí, thể dục thể thao... giúp đời sống tinh thần thêm phong phú mà nhiều người còn sử dụng mạng xã hội để kết nối, liên lạc với người thân, giao tiếp bạn bè...
Người cao tuổi truy cập internet để theo dõi các thông tin thời sự, thời tiết và xem các chương trình giải trí. Ảnh: Trà Hương
Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Long ở xã Tân Phong (Bình Xuyên) thường xuyên đi làm xa nhà nên ít có điều kiện về thăm bố mẹ. Để ông bà có thể dễ dàng kết nối với gia đình, bạn bè, anh Long đã hướng dẫn bố mẹ gọi điện trên ứng dụng Zalo.
Anh Long cho biết: “Bố mẹ tôi đã có tuổi nên việc tiếp cận điện thoại thông minh và các ứng dụng công nghệ gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình hướng dẫn phải thật kiên nhẫn, chỉ từng bước; thậm chí còn phải ghi chú các tính năng để ông bà nhớ, dễ sử dụng. Kể từ khi biết cách gọi điện video qua ứng dụng Zalo, bố mẹ tôi rất thích thú vì có thể thoải mái gặp gỡ, trò chuyện với con cháu và anh em họ hàng ở xa”.
Công nghệ số phát triển đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người cao tuổi. Vừa giúp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vừa là "sợi dây" gắn kết tình cảm gia đình, các mối quan hệ xã hội giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe.
Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 9/2024 sẽ dừng hoàn toàn công nghệ 2G trên cả nước; trong đó, đa số khách hàng sử dụng sóng 2G đều là người cao tuổi.
Nhằm đảm bảo lộ trình tắt sóng 2G, hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hướng dẫn kết nối, sử dụng các ứng dụng cơ bản để hỗ trợ người cao tuổi chuyển đổi sử dụng mạng 2G lên 4G, tiếp cận với điện thoại thông minh.
Hương Giang