Từ mảnh vườn tạp cho hiệu quả kinh tế thấp, nhờ chủ trương đúng đắn của tỉnh cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, vợ chồng ông Đào Văn Hải, thôn Thụ Ích 3, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc đã mạnh dạn cải tạo thành vườn cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định, góp phần cải thiện môi trường sống, làm khởi sắc diện mạo nông thôn.
Do được chăm sóc kỹ lưỡng, vườn bưởi gần 20 năm của gia đình ông Đào Văn Hải luôn sai trĩu quả, đạt năng suất cao mỗi vụ. Ảnh: Trà Hương
Dẫn chúng tôi thăm vườn bưởi xanh mướt, sai trĩu quả, ông Hải tự hào giới thiệu đây chính là thành quả của gia đình ông nhờ mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất vườn tạp sang trồng cây ăn quả từ nhiều năm trước. Ông Hải cho biết: “Với mong muốn tận dụng lợi thế đất đai để phát triển kinh tế, năm 2005, tôi bắt đầu thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bưởi, bởi tôi nhận thấy nếu quanh năm bỏ hoang, chỉ trồng tre và khoai nước sẽ rất lãng phí vì hiệu quả kinh tế rất thấp.
Bắt đầu xây dựng mô hình, tôi nghiên cứu, tìm hiểu thông tin các loại cây trồng trên sách báo và đi tham quan, học hỏi một số mô hình phát triển kinh tế ở khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Tình cờ, tôi biết đến cây bưởi, đặc biệt là giống bưởi Diễn dễ trồng, dễ thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất bãi, được nhiều người ưa chuộng và thu mua với giá cao”.
Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, ông Hải dành nhiều thời gian lựa chọn, tìm mua những cây bưởi giống ở các nhà vườn uy tín tại nhiều địa phương. Sau đó, với hơn 1.000 m2 đất vườn cải tạo, ông Hải trồng khoảng 150 gốc bưởi các loại như bưởi Diễn, bưởi đường, bưởi lai.
Thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, ông thường tự nghiên cứu tài liệu, sách báo, đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng bưởi Diễn đã thành công trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, ông tích cực gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả để được hướng dẫn tỉ mỉ về phương pháp canh tác, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả bằng phân bón hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Sau quá trình dài học hỏi, biết rõ đặc tính của cây trồng, ông thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăm cây như tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, kích thích ra hoa, thụ phấn bổ sung, bao bọc bưởi..
Đến năm thứ 4, lứa bưởi đầu tiên của gia đình bắt đầu cho thu hoạch những quả bưởi to, căng tròn và bắt đầu ổn định năng suất từ năm thứ 10 trở đi. Hằng năm, từ tháng 9, tháng 10 Âm lịch, vườn bưởi bắt đầu đón những thương lái từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến tận vườn đặt mua những quả bưởi ngon, mẫu mã đẹp mang đi bán.
Vườn chuối sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến cho thu hoạch tốt vào cuối năm. Ảnh: Trà Hương
Ông Hải nhẩm tính, hiện nay, vườn bưởi của gia đình ông có tuổi đời gần 20 năm, trung bình mỗi cây bưởi cho thu hoạch khoảng 100 quả. Với giá bán tại vườn từ 15- 20 nghìn đồng/quả tùy kích thước, chủng loại, bình quân một năm, vườn bưởi mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng (đã trừ chi phí).
Không chỉ chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng cây bưởi, từ cuối năm 2023, ông Hải còn quyết định cải tạo hơn 800 m2 ao nuôi ốc nhồi và cá hiệu quả thấp sang trồng chuối tiêu hồng để tiếp tục phát triển kinh tế.
Bắt tay vào làm, ông trồng khoảng 150 gốc chuối tiêu hồng giống ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) với giá 8.000 đồng/cây. Tính đến nay đã 4 tháng, cây chuối sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, dự kiến cho năng suất và sản lượng ổn định, không lo mất mùa như những loại cây trồng khác.
Mỗi cây chuối sẽ ra 1 buồng/vụ và trồng trong khoảng 3 năm sẽ thay lứa mới. Với giá bán bình quân từ 150-200 nghìn đồng/buồng và có thể tăng thêm vào các dịp lễ, sau khi trừ chi phí, dự kiến đến cuối năm, gia đình ông Hải có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng từ cây chuối.
Không gian nhà ở xanh - sạch - đẹp bên vườn cây ăn quả của gia đình ông Hải. Ảnh: Trà Hương
Nhờ linh hoạt, sáng tạo, tận dụng tối đa diện tích đất canh tác kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bưởi, chuối đã đem lại nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Hải. Bên cạnh đó, nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, vườn cây luôn sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất tăng theo từng năm.
Mô hình của gia đình ông được chính quyền địa phương đánh giá là mô hình điểm về cải tạo vườn tạp, thường xuyên được người dân địa phương và các nơi lân cận đến học tập, trao đổi kinh nghiệm canh tác để cùng cải tạo, nâng cao các tiêu chí vườn hộ trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, phát triển.
Thảo My