Chuyển đổi số (CĐS) không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tổ chức mà còn giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ. Từ đó góp phần kéo gần khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn.
Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Nguyễn Lượng
Giờ đây, người dân sinh sống trong tỉnh, kể cả khu vực nông thôn có thể đặt xe taxi qua ứng dụng, sử dụng các ứng dụng ngân hàng số, họp, học trực tuyến, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, mua bán hàng hóa qua các trang thương mại điện tử hoặc livestream trên các nền tảng thương mại trực tuyến để tiếp thị nông sản và sản phẩm văn hóa của địa phương... Từ đó góp phần lan tỏa thông điệp CĐS hữu ích trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Thông qua hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn… CĐS trong lĩnh vực bán lẻ đang trở thành xu thế tất yếu được nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) áp dụng.
Chị Trần Thị Châu, chủ cửa hàng tự chọn thôn Đinh Xá 2, xã Nguyệt Đức cho biết: “Thông qua việc áp dụng các sản phẩm công nghệ vào hoạt động kinh doanh như phần mềm bán hàng, phần mềm kế toán, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt QR code… hoạt động kinh doanh của gia đình tôi không những đem lại tiện ích cho khách hàng, đảm bảo an toàn mà còn hạn chế được nhầm lẫn, sai sót so với phương thức mua bán truyền thống. Từ đó, dần hình thành thói quen cho người dân khi mua sắm theo phương thức hiện đại, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại nông thôn ngày càng phát triển hiệu quả”.
Thời gian qua, tỉnh tập trung đầu tư, nâng cấp 100% hạ tầng truyền dẫn, các nền tảng ứng dụng và hạ tầng CĐS trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, tạo ra ưu thế tuyệt đối về băng thông, tốc độ, chất lượng và dịch vụ.
Toàn tỉnh có 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại, 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet với 3.000 trạm BTS, 100% phủ sóng di động 3G, 4G và bước đầu có 2 trạm BTS 5G của Viettel với hơn 1,4 triệu thuê bao điện thoại di động, 286.000 thuê bao Internet băng rộng cố định và hơn 1 triệu thuê bao Internet băng rộng di động; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao Internet băng rộng ước đạt 90%.
Phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, CĐS theo Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, 100% địa phương trong tỉnh có hệ thống đài truyền thanh đến các thôn, tổ dân phố, đáp ứng nhu cầu tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Đặc biệt, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng đạt gần 60%. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh tăng mạnh về số lượng với hơn 49% qua kênh Internet, hơn 64% qua kênh điện thoại di động và hơn 650% qua phương thức QR code. Từ đó, phục vụ tốt công tác quản lý và chiến lược phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.
Không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, quảng bá hình ảnh đến du khách trong và ngoài nước bằng phương thức truyền thống, Ban lãnh đạo Flamingo Đại Lải Resort còn đẩy mạnh truyền thông trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… Đặc biệt, trên ứng dụng Tiktok thu hút 1.700 người đăng ký theo dõi, mọi hoạt động, dịch vụ cũng như những lưu ý khi tham quan, nghỉ dưỡng tại đây đều được cập nhật từng ngày.
Dịp 10/8 tới đây, Flamingo Đại Lải Resort tổ chức Lễ hội ánh sáng và sắc màu mang tên “LaLa Town” với nhiều hoạt động hấp dẫn như công viên check - in ấn tượng, phố đi bộ kết hợp ăn uống, trình diễn pháo hoa và ánh sáng đặc sắc, lễ diễu hành carnival… Ngay sau khi thông tin được đăng tải trên kênh, có gần 2.500 lượt người truy cập quan tâm, theo dõi và liên hệ chi tiết.
Tổng Quản lý cấp cao Flamingo Đại Lải Resort Lê Đức Quân cho biết: Đến nay, hơn 90% khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại resort đều đặt phòng trên các ứng dụng số hoặc website chính thức.
Trong quản lý, điều hành, phần lớn các dịch vụ tại resort đều ứng dụng công nghệ số để phục vụ và chăm sóc khách hàng kịp thời, chu đáo như dịch vụ đặt phòng, ăn uống, vui chơi - giải trí, thanh toán… nhằm tối ưu hóa năng suất lao động của nhân viên và đem đến những trải nghiệm hiện đại, tiện ích cho du khách.
Không thể phủ nhận, CĐS đang len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống của người dân và mang lại lợi ích nhiều mặt cho con người. Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tiếp tục chủ động, quyết tâm CĐS toàn diện, hiệu quả trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về CĐS.
Đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia; nộp, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa… Từ đó, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương.
Ngọc Lan