Triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường (VSMT) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh, huyện Lập Thạch đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đề án, phân công nhiệm vụ đến cấp ủy, chính quyền các địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động đối với công tác VSMT. Hiện nay, công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện cơ bản đi vào nền nếp, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.
Xác định công tác VSMT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhất là sau khi UBND tỉnh ban hành Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và VSMT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Huyện ủy Lập Thạch đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai đề án; đồng thời chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai đề án đến 100% các xã, thị trấn.
UBND huyện Lập Thạch chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức các lớp tuyên truyền về VSMT, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Thông qua tiết học ngoại khóa, Trường tiểu học Thái Hòa (Lập Thạch) lồng ghép nội dung tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và cách phân loại rác tại nguồn cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ năm 2023 đến nay, huyện Lập Thạch đã tổ chức 6 lớp tuyên truyền về VSMT tại các xã, thị trấn cho gần 1.000 cán bộ môi trường và người dân; phát động phong trào "nói không" với túi nilon, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các trường tiểu học Sơn Đông, Triệu Đề, Thái Hòa, Đồng Ích, Bắc Bình; vận động người dân hưởng ứng, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư “sáng - xanh - sạch - đẹp”, xây dựng mô hình điểm về phân loại, xử lý rác thải tại nguồn tại thị trấn Lập Thạch…
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã vào cuộc quyết liệt, đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép nội dung VSMT trong hương ước, quy ước của địa phương, đưa vào tiêu chí bình chọn các đơn vị, gia đình văn hóa; phát động phong trào VSMT tại cơ sở với nhiều hoạt động thiết thực, tổ chức ra quân làm sạch khu dân cư, khơi thông cống rãnh, xử lý rác thải và côn trùng gây hại…
Hiện nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập HTX dịch vụ môi trường hoặc Tổ thu gom rác thải với gần 200 thành viên. Các đơn vị thu gom, xử lý rác thải hoạt động thường xuyên, theo lịch trình cụ thể.
Theo thống kê, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Lập Thạch khoảng 115 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt 88%, khu vực đô thị đạt 92%; đã có 16/20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức thu giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải; các xã, thị trấn đã đưa vào quy hoạch sử dụng đất đối với 36 điểm tập kết, trung chuyển rác thải với tổng diện tích 3,5ha.
Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lập Thạch Phạm Văn Hòa cho biết: Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song nhìn nhận thực tế, công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện vẫn gặp những khó khăn nhất định.
Hiện nay, phần lớn phương tiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải còn thô sơ. Toàn huyện hiện có 5 lò đốt rác đang hoạt động nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp, công suất chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; đối với các địa phương chưa có lò đốt vẫn phải xử lý rác thải bằng biện pháp chôn lấp thông thường nên chưa xử lý rác thải triệt để.
Trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều bãi rác quá tải mà chưa có biện pháp xử lý tại các xã Đồng Ích, Sơn Đông, Tiên Lữ, Tử Du, Bắc Bình… trong khi đó, việc triển khai dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Hòa gặp nhiều khó khăn.
Người dân xã Đồng Ích (Lập Thạch) chú trọng công tác vệ sinh môi trường, góp phần giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Nguyễn Lượng
Được biết, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Hòa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với công suất thiết kế 270 tấn/ngày đêm tại xã Xuân Hòa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, một số hộ dân gần khu vực dự án chưa đồng tình do lo ngại về vấn đề môi trường.
Để tạo sự đồng thuận của người dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Lập Thạch đã thành lập 10 tổ công tác tuyên truyền, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cam kết về vấn đề VSMT trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy.
Mặt khác, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với huyện trong việc xử lý các trường hợp kích động, lôi kéo người dân tham gia phản đối việc xây dựng nhà máy, tháo dỡ lều, quán xây dựng trái phép tại khu vực dự án.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt 90%, khu vực đô thị đạt 95%, huyện hình thành được hệ thống dịch vụ thu gom và xử lý rác thải đồng bộ, làm cơ sở cho việc xã hội hóa hoạt động VSMT trong giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về vấn đề VSMT, đặc biệt trong việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải và phân loại rác thải tại nguồn; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Hòa.
Chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, mở rộng các bãi tập kết, xử lý rác thải, tích cực đầu tư nâng cấp, cải tạo phương tiện xử lý rác thải, tăng cường xã hội hóa trong việc thực hiện công tác VSMT, triển khai thu giá dịch vụ môi trường theo quy định; thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác VSMT tại các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhân rộng các cách làm hay, điển hình làm tốt công tác VSMT trên địa bàn huyện.
Hoàng Sơn