Người có uy tín trên địa bàn tỉnh luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi lĩnh vực. Từ sự tiên phong, gương mẫu của người có uy tín đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, để người dân tin, nghe và làm theo. Qua đó góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Bằng sự gương mẫu, trách nhiệm với công việc chung, anh Nguyễn Ngọc Thêm, người có uy tín, Trưởng thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo (bên phải) luôn nhận được sự tín nhiệm, yêu quý của nhân dân.
Là cán bộ xã nghỉ hưu, được nhân dân thôn Đồng Bụt, xã Bồ Lý (Tam Đảo) tín nhiệm bầu là người có uy tín từ năm 2018, ông Tô Thái Vinh luôn tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).
Cách đây 5 năm, khi xã đưa ra chủ trương phấn đấu về đích NTM, thôn Đồng Bụt gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; cải tạo nhà văn hóa; kiên cố hóa kênh mương...
Phát huy vai trò của người có uy tín, ông Vinh đã cùng với lãnh đạo thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Gia đình ông tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí để cải tạo nhà văn hóa thôn.
Từ sự gương mẫu của ông, nhân dân trong thôn đã tích cực góp công, góp của để xây dựng NTM. Nhờ đó, đến nay diện mạo của thôn có nhiều thay đổi. Đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp; nhà văn hóa được xây dựng khang trang với đầy đủ các trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân.
Theo ông Vinh, thôn Đồng Bụt có hơn 50% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Muốn người dân tin, nghe và làm theo, thì cá nhân mình phải thực sự gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi dân đã tin tưởng, ủng hộ thì bất kể việc khó cũng sẽ thành dễ.
Đồng chí Trần Nam Thanh, Chủ tịch UBND xã Bồ Lý cho biết: Toàn xã có 12 người có uy tín. Những năm qua, đội ngũ người có uy tín đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động ở thôn dân cư.
Trong xây dựng NTM, họ là những người tiên phong, đi đầu hiến đất, ngày công lao động để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh; tích cực vận động, tuyên truyền bà con xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự ở khu dân cư.
Người có uy tín của xã còn phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Xác định rõ vai trò của người có uy tín đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều tiến hành rà soát bầu bổ sung người có uy tín đủ điều kiện theo quy định.
Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đội ngũ người có uy tín trên địa bàn. Tổ chức cho những người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số địa phương.
Từ đó, giúp người có uy tín có kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Toàn tỉnh hiện có 69 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 14 xã của các huyện, thành phố: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và Phúc Yên. Họ đa phần là trưởng thôn, bí thư chi bộ, thầy cúng, già làng, cán bộ nghỉ hưu...
Theo Ban Dân tộc tỉnh, đội ngũ người có uy tín luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục; giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong phát triển kinh tế, lực lượng người có uy tín kịp thời phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm, mô hình hiệu quả đã đúc kết từ thực tiễn hoặc được tập huấn, học tập ở các địa phương khác đến bà con nhân dân trong vùng.
Những hoạt động tích cực của người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt gần 54 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,1%.
Tình hình an ninh, trật tự xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh luôn ổn định; đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bài, ảnh: Thanh Huyền