Dự thảo sửa đổi Thông tư số 197 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành. Tuy vậy, phản ánh từ các DN cho thấy, dự thảo vẫn còn một số quy định vô hình trung tạo nên sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giữa những người nộp phí.

Xe đầu kéo và rơ moóc sẽ được gộp chung thành 1 phương tiện?
“Giải oan” cho... rơmoóc
Dự thảo sửa đổi lần này đã gộp chung xe đầu kéo và rơmoóc, sơmi rơmoóc (gọi chung rơmoóc) thành một phương tiện để thu phí, thay quy định hiện nay tách xe đầu kéo và rơmoóc thành hai phương tiện riêng biệt.
Ông Thái Văn Chung – Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM (HHVT) – cho rằng, không thể xem rơmoóc như một phương tiện xe ôtô, vì bản thân nó là thiết bị cơ khí đơn giản, không thể tự hành mà được kéo bởi xe đầu kéo. Hơn nữa, mỗi lần vận chuyển hàng hóa trên đường, một xe đầu kéo chỉ sử dụng một rơmoóc.
Do vậy, việc gộp chung tổ hợp này thành 1 phương tiện để thu phí sẽ phù hợp với thực tế. Điều này cũng giúp DN vận tải giảm được gánh nặng về tài chính.
"Đơn cử, Cty vận tải Công Thành hiện có 100 xe đầu kéo và có đến 900 rơmoóc. Theo quy định hiện hành, Cty phải đóng phí bảo trì cho tổng cộng 1.000 phương tiện, thay vì theo dự thảo sửa đổi chỉ phải nộp phí cho 100 phương tiện.
“Tuy khi gộp chung lại, mức phí phải nộp cho một phương tiện chắc chắn cao hơn (vì gồm cả phí xe đầu kéo và rơmoóc), song DN vẫn giảm bớt được cả một gánh nặng chi phí. Suy cho cùng việc giảm gánh nặng này chính là giảm chi phí cho người tiêu dùng, vì mọi chi phí cuối cùng đều được tính vào giá thành sản phẩm”, ông Trần Việt Hùng – Trưởng phòng Vận tải Cty vận tải Công Thành - nhận xét.
Không nên phân biệt đối xử
Theo dự thảo sửa đổi, DN được quyền lựa chọn thời gian nộp phí sử dụng đường bộ, có thể nộp phí hằng tháng, hằng quý, hằng năm hoặc nộp theo chu kỳ đăng kiểm của phương tiện thay vì nộp trước 6 tháng hoặc 1 năm như hiện nay. HHVT TPHCM cho rằng, quy định này sẽ giảm bớt áp lực phải nộp trước một khoản phí khá lớn đối với DN, tuy vậy nó vẫn chưa thể hiện sự công bằng giữa các DN.
Cụ thể: Dự thảo quy định chỉ DN có mức phí phải nộp hằng tháng từ 50 triệu đồng trở lên mới được quyền lựa chọn nộp phí sử dụng đường bộ hằng tháng. Theo ông Thái Văn Chung, quy định này vô hình trung tạo nên sự phân biệt đối xử giữa những người nộp phí, vì thế kiến nghị Bộ Tài chính nên quy định cho phép tất cả DN vận tải đều được quyền lựa chọn thời gian nộp phí mà không phân biệt mức tiền nộp.
Một kiến nghị khác là Bộ Tài chính nên xem xét quy định cho Hội đồng Quỹ Trung ương mở một tài khoản chung, liên thông với hệ thống mạng của các trạm đăng kiểm trong cả nước. Hằng tháng, DN chủ động nộp phí cho từng xe vào tài khoản của Quỹ Bảo trì. Đến kỳ đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm đối chiếu lại việc nộp phí của từng phương tiện để xét cho đăng kiểm hay không.
“Nếu phương tiện cơ giới đã nộp đủ phí thì cho phép đăng kiểm bình thường và dán tem kiểm định, tem đóng phí bảo trì đường bộ. Nếu chưa nộp hoặc nộp chưa đủ phí thì phải truy thu và phạt chậm nộp theo lãi suất ngân hàng. Khi nào thực hiện xong nghĩa vụ nộp phí mới cho đăng kiểm và dán tem cho phương tiện. Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp, đồng thời chấm dứt cảnh xếp hàng", ông Thái Văn Chung đề xuất.
Điện tử
(Theo Lao động)