Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có, đưa hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Đây chính là mục tiêu và cũng là động lực của du lịch Vĩnh Phúc trên con đường phát triển bền vững.
Khu du lịch thị trấn Tam Đảo có nhiều địa điểm tham quan, trải nghiệm độc đáo thu hút du khách. Ảnh: Kim Ly
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.300 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó, có 521 di tích đã được Nhà nước xếp hạng cùng nhiều danh lam thắng cảnh, khu du lịch tâm linh nổi tiếng. Một số di tích, cụm di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt.
Cùng với loại hình du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái, tỉnh còn có thế mạnh về phát triển du lịch hội nghị - hội thảo; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng nghề. Một số sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao golf đã bước đầu tạo sức hấp dẫn, mở ra tiềm năng phát triển phân khúc du lịch cao cấp.
Các giá trị văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ trò chơi kéo Song, nghệ thuật hát ca trù… đã góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch Vĩnh Phúc.
Xác định đây là một trong những ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch; quan tâm tu bổ, tôn tạo các di tích; ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời xây dựng chiến lược phát triển ngành du lịch theo từng thời kỳ, từng giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế và lợi thế của mỗi địa phương.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các địa danh nổi tiếng, các lễ hội, sản phẩm du lịch tiêu biểu đặc trưng của tỉnh; đẩy mạnh công tác hợp tác phát triển du lịch liên tỉnh.
Với các giải pháp toàn diện, du lịch Vĩnh Phúc những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Lượng khách du lịch tăng theo từng năm. Năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 9,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 13% so với năm 2022, tổng doanh thu ước đạt hơn 3,6 nghìn tỷ đồng, công suất sử dụng phòng đạt từ 40 - 45%.
Trong nửa đầu năm nay, hoạt động du lịch của tỉnh tiếp tục khởi sắc, nhiều sự kiện văn hóa - du lịch nổi bật được tổ chức thành công; tổng khách du lịch đến tỉnh đạt gần 5,9 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và đạt 58% so với kế hoạch năm; tổng doanh thu ước đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; công suất sử dụng phòng đạt từ 50 - 55%.
Những con số biết nói trên đã cho thấy, du lịch Vĩnh Phúc đang phát triển đúng hướng và có nhiều tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên, mức chi tiêu của du khách khi đến với Vĩnh Phúc vẫn rất thấp.
Theo ước tính, mỗi lượt du khách đến tỉnh chỉ tiêu gần 400 nghìn đồng/ngày; thời gian lưu trú ngắn, chỉ từ 1 - 2 ngày; doanh thu ngành du lịch còn khiêm tốn. Trong khi đó, tại một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… mức chi tiêu bình quân của du khách ước tính hơn 2 triệu đồng/người/ngày.
Phố đi bộ Tam Đảo có nhiều gian hàng quà tặng, ẩm thực hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Kim Ly
Đồng chí Đỗ Hoàng Dương, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Sở dĩ doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh còn khiêm tốn là do các dịch vụ phục vụ du khách chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn để có thể níu chân du khách lưu trú dài ngày. Các sản phẩm du lịch chất lượng cao, các sự kiện văn hóa - nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động du lịch về đêm còn hạn chế. Số lượng khách sạn từ 4 sao trở lên vẫn khiêm tốn.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi, tuy nhiên, công tác thu hút doanh nghiệp lớn vào đầu tư chưa nhiều dẫn đến năng lực cạnh tranh trong hoạt động du lịch chưa cao. Số lượng các tour tuyến mới được đưa vào khai thác và mở thêm còn ít. Các sản phẩm lưu niệm, quà tặng vẫn đơn điệu, chưa tạo được dấu ấn đặc trưng vùng miền. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu, tôn tạo".
Để nâng tầm ngành Du lịch, Vĩnh Phúc hướng tới cơ cấu lại thị trường du lịch theo hướng phát triển bền vững; thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển các khu du lịch phức hợp, hệ thống khách sạn cao cấp, trung tâm mua sắm trọng điểm của vùng; phát triển loại hình du lịch sinh thái, khám phá cảnh đẹp của núi rừng Tam Đảo gắn với công tác bảo tồn, cứu hộ và phát triển hệ sinh thái; khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch.
Phát huy và khai thác tiềm năng du lịch trên môi trường số; nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch. Riêng huyện Tam Đảo tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Khắc phục thực trạng tiềm năng du lịch làng nghề, du lịch sinh thái cộng đồng chưa phát huy được hiệu quả, các địa phương tăng cường giải pháp khai thác thế mạnh của loại hình du lịch còn bỏ ngỏ này nhằm đem lại doanh thu, lợi nhuận cao, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Về cơ chế, chính sách, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh thực hiện các chương trình hành động, nghị quyết thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch theo định hướng chiến lược của Chính phủ về phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 bằng các giải pháp tổng thể, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang lại hiệu quả cao.
Quỳnh Hương