Ngày 15-3-2014, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên.
Đồng chí Lê Duy Thành, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh Dương Chung
Tại điểm cầu Vĩnh Phúc, đồng chí Lê Duy Thành, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Hồ Thị Thủy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII của tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Qua thực tiễn thi hành, có thể khẳng định, BLHS năm 1999 đã quy định một cách tương đối có hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự, thực sự là công cụ pháp lý quan trọng, góp phần tích cực vào việc đấu tranh, chống và phòng ngừa tội phạm. Công tác điều tra, truy tố tội phạm chuyển biến tích cực, đúng người, đúng tội. Công tác xét xử đảm bảo về chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ án được đẩy nhanh, xét xử công bằng, bản án tuyên được mọi người đồng tình ủng hộ. Từ năm 2001-2012, tình hình xét xử của TAND tối cao luôn có xu hướng tăng, các hành vi phạm tội tập trung vào các nhóm tội như: xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người… Theo số liệu thống kê của Tòa án Quân sự Trung ương, từ năm 2000-2012, toàn ngành đã xét xử gần 4.000 vụ, khởi tố hơn 5.500 bị cáo, trong đó có 111 vụ/133 bị cáo về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và hơn 3.300 vụ về các tội phạm khác…
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành BLHS vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế như: Việc tổ chức thực hiện BLHS được ban hành trong một thời gian khá dài, một số điều luật còn quy định chung chung, trong khi đó, các văn bản hướng dẫn thi hành chưa kịp thời, chưa cụ thể nên khó khăn trong triển khai thực hiện trên thực tế; quy định về khung hình phạt của một số điều luật trong bộ luật chưa thực sự hợp lý, dẫn tới việc áp dụng hình phạt chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan; mức hình phạt đối với một số tội phạm chưa phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, chưa đủ tác dụng răn đe, giáo dục, trong khi một số tội phạm lại có mức hình phạt quá nghiêm khắc, không còn phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận về những hạn chế, khó khăn trong thực tiễn thi hành BLHS năm 1999; đồng thời, kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự mới dựa trên 6 định hướng cơ bản.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sửa đổi để đề ra BLHS mới phù hợp với điều kiện KT-XH của đất nước; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực thi BLHS năm 1999. BLHS sửa đổi phải được xây dựng và hoàn thiện trên tinh thần Hiến pháp mới, đặc biệt là bảo đảm quyền con người trong việc xử lý người phạm tội. Tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy nền kinh tế thị trường vận hành theo đúng quy luật, định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng được các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu khung hình phạt theo Hiến pháp năm 2013...
Mai Thơ