Cũng giống như đa số các hộ gia đình khác trên địa bàn xã Tân Lập (Sông Lô), những năm trước đây, gia đình chị Đặng Thị Lan có xuất phát điểm kinh tế rất thấp, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với cây lúa đóng vai trò chủ đạo, đời sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù bản tính cần cù, chịu khó, lam lũ quanh năm vậy mà cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng mãi không dứt đối với gia đình. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ chị Lan quyết định tìm hướng đi mới phát triển kinh tế cho gia đình mình trên chính mảnh đất ông cha để lại, chọn một số giống cây, con chủ lực để vươn lên thoát nghèo. Qua những thông tin trên đài, báo và được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội phụ nữ xã tổ chức, chị Lan mạnh dạn vay 50 triệu đồng của người thân và một số chị em phụ nữ trong thôn để đầu tư chăn nuôi gà siêu trứng. Ban đầu nuôi từ 100-200 con/lứa, dần dần, có được kinh nghiệm, kỹ thuật, chị Lan mở rộng mô hình lên 1.000 con gà Ai Cập/lứa. Nhờ chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh tốt, đàn gà đẻ nhà chị luôn khoẻ mạnh, không mắc các dịch bệnh. Mỗi ngày, đàn gà mái này đẻ từ 700-800 quả trứng, với giá nhập trứng hiện nay, trừ chi phí cho thu lãi từ 7-8 triệu đồng/tháng.
Gia đình chị Đặng Thị Lan thoát nghèo nhờ chăn nuôi gà đẻ trứng
Thành công bước đầu trong chăn nuôi của gia đình chị Lan đã giúp chị thoát nghèo, trở thành một trong những hộ có kinh tế khá của xã Tân Lập. Theo chị, đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi khoa học kỹ thuật, tích luỹ kinh nghiệm, đặc biệt là dám nghĩ, dám làm, tích cực phòng trừ dịch bệnh và liên hệ đầu ra cho sản phẩm... là những yếu tố cơ bản quyết định thành công của hộ chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà đẻ, gà thịt nói riêng.
Tấm gương vượt khó làm giàu của hộ gia đình chị Đặng Thị Lan ở thôn Cầu Gạo, xã Tân Lập đã được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, đồng thời, được nhiều hộ chăn nuôi trong vùng đến học tập kinh nghiệm.
Tin, ảnh Dương Minh