Mặc dù chưa tới thời điểm các trường THPT cho học sinh đăng ký chính thức môn thi tốt nghiệp năm 2014, song qua thăm dò ý kiến, rất ít học sinh chọn môn Lịch sử, Địa lý làm môn thi tốt nghiệp tự chọn.
Năm nay, thí sinh cả nước sẽ thi 4 môn, trong đó Toán và Ngữ văn là môn thi bắt buộc. Các môn tự chọn còn lại gồm: Ngoại ngữ, Sử, Địa, Lý, Hóa và Sinh. Riêng hai môn Ngữ văn và Sử sẽ thi theo hình thức tự luận. Thời điểm này, các em học sinh trên địa bàn tỉnh đang chọn lựa môn thi tốt nghiệp theo khả năng của mình. Qua khảo sát tại một số trường THPT, số học sinh chọn môn Sử trong các môn tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất thấp. Tại trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, số học sinh đăng ký môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp chỉ dừng lại ở 47 học sinh/ tổng số 299 học sinh. Trường THPT Trần Nguyên Hãn có số học sinh đăng ký thi môn lịch sử là 36 học sinh/ tổng số 232 học sinh, trường THPT Vĩnh Yên có 40 học sinh/ tổng số 300 học sinh. Nhìn chung tỷ lệ học sinh chọn môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh chiếm từ 10- 15%.

Học sinh trường THPT Nguyễn Thái Học lựa chọn các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp.
Em Nguyễn Văn Duy, học sinh Trường THPT Vĩnh Yên cho biết: tuy rất yêu thích các môn xã hội, trong đó có môn Sử nhưng vì đang luyện thi ĐH khối D (Toán, Văn, Anh văn) và khối A1 (Toán, Lý, Anh văn) nên em chọn môn Anh văn và Vật lý là 2 môn tự chọn cho kỳ thi tốt nghiệp để giảm bớt thời gian ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tập trung vào kỳ thi ĐH, CĐ. Em Trần Thị Ngân, học sinh trường THPT Nguyễn Thái Học chia sẻ: em không đăng kí thi môn Sử không phải vì chán ghét môn học này mà do em ngại học thuộc, đặc biệt là ngại làm bài thi tự luận so với thi trắc nghiệm. Trong 6 môn được tự chọn thì môn Sử khó học nhất.
Lí giải về nguyên nhân của việc học sinh chọn môn Lịch sử thấp, theo một số thầy cô giáo, do hiện nay phần lớn thí sinh dự thi đại học quan tâm đến khối A, B, D. Đối với khối C, tỉ lệ thí sinh khá thấp nên việc có ít học sinh chọn môn Lịch sử dự thi tốt nghiệp THPT cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc “né” môn Lịch sử trong kì thi tốt nghiệp THPT cũng xuất phát từ thực tế hiện nay, trong cách giảng dạy môn sử, cách ra đề thi, khối lượng kiến thức dài… nên chưa hấp dẫn học sinh. Hơn nữa, đặc điểm của môn Sử có nhiều chi tiết nhỏ, khó nhớ, phương pháp giảng dạy chưa thu hút được học sinh. Việc ra đề thi về cơ bản vẫn là trình bày lại diễn biến này, sự kiện kia trong đó yêu cầu thí sinh phải nhớ chi tiết, vì vậy học sinh sợ nếu phải thi môn này.
Theo thầy Lại Đăng Vinh- Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Yên: khi Bộ GDĐT đã cho các em được tự chọn môn thi tốt nghiệp, thì tất nhiên, các em phải dựa vào lợi thế là chọn các môn thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Học sinh không lựa chọn môn Sử không phải vì không thích môn học này mà vì các em phải tính toán phương án để đạt được điểm cao nhất có thể trong các kỳ thi
Môn Lịch sử có vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của nước nhà. Ðể tạo được sự hứng thú cho học sinh khi học môn Lịch sử, theo cô Nguyễn Ngọc Trâm- Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thái Học, cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức đối với vai trò, vị trí của môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông. Mặt khác, phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, gắn lịch sử với cuộc sống thường ngày và liên hệ thực tế, khắc phục lối học vẹt, ghi nhớ máy móc và học chỉ để đối phó với thi cử. Đồng thời, phải đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm đánh giá đúng chất lượng bộ môn.
Dù đồng tình với phương án thi tốt nghiệp 4 môn của Bộ GD&ĐT nhưng lãnh đạo nhiều trường THPT vẫn cho rằng, Bộ nên nghiên cứu các giải pháp thực hiện cho lộ trình thi tốt nghiệp THPT lâu dài, bền vững. Việc cho học sinh tự chọn môn thi đang gây không ít khó khăn cho các trường THPT trong việc tổ chức ôn luyện tốt nghiệp cho các em.
Bài, ảnh Thu Hồng