Huyện Tam Đảo có hai xã Hồ Sơn và Bồ Lý được chọn làm điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Qua 3 năm triển khai, tính đến hết năm 2013, Hồ Sơn và Bồ Lý đã cơ bản đạt 18/19 tiêu chí. Với kết quả đã đạt được, Hồ Sơn, Bồ Lý đã gần chạm “đích”. Tuy nhiên, Hồ Sơn và Bồ Lý lại không đạt và đang bị “mắc cạn” bởi chỉ tiêu văn hóa (tiêu chí 16). Đây cũng là hai xã điểm duy nhất của Tam Đảo và của tỉnh không hoàn thành tiêu chí này.
Theo tiêu chí 16 quy định: Xã đạt tiêu chí văn hóa phải có 50% thôn, làng trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu “thôn văn hóa”, “làng văn hóa” liên tục từ 5 năm trở lên. Đối chiếu tiêu chí trên, cả Hồ Sơn và Bồ Lý đều không đủ chỉ tiêu vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo đó, để được công nhận và giữ vững danh hiệu “thôn văn hóa”, “làng văn hóa”, ngoài các tiêu chuẩn về đời sống kinh tế; môi trường; việc chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng... thì địa phương đó phải có nhà văn hóa- khu thể thao từng bước đạt chuẩn theo quy định. Đây là một trong những chỉ tiêu khó đối với một huyện miền núi nghèo, hầu hết là người dân tộc thiểu số như Tam Đảo.
Đồng chí Đỗ Quốc Trọng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tam Đảo cho biết: Bồ Lý và Hồ Sơn được chọn là hai xã điểm của tỉnh về triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong khi Hồ Sơn là 1 trong 6 xã khó khăn của huyện còn Bồ Lý là xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh. Theo quy định bình xét danh hiệu “Làng văn hóa”, địa phương phải có nhà văn hóa thôn. Đây là tiêu chí khó khăn nhất đối Hồ Sơn, Bồ Lý bởi đời sống nhân dân còn nghèo nên việc huy động 100% nguồn vốn từ nhân dân để xây dựng nhà văn hóa là cả một vấn đề lớn. Bởi, ngân sách tỉnh không hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa (chỉ hỗ trợ nội thất); ngân sách huyện Tam Đảo lại eo hẹp nên Hồ Sơn, Bồ Lý đều không đạt tiêu chí này.
Được biết, kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn từ 350-500 triệu đồng. Như vậy, nếu để đóng góp tiền của để xây dựng nhà văn hóa thì mỗi hộ gia đình ở Hồ Sơn, Bồ Lý (Tam Đảo) phải nộp hàng triệu đồng. Đây là một khoản kinh phí không hề nhỏ đối với thu nhập của người dân địa phương.
Sau khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, Đảng bộ và nhân dân huyện Tam Đảo nói chung và hai xã Hồ Sơn, Bồ Lý đã huy động mọi nguồn lực, ngày công lao động để hoàn thiện các thiết chế văn hóa. Đến nay, Hồ Sơn và Bồ Lý đã có từ 50% số thôn đạt danh hiệu “làng văn hóa” 3 năm liên tục. Song đối chiếu tiêu chí 16 (tiêu chí văn hóa), Tam Đảo vẫn không đạt bởi tiêu chí này quy định phải đạt danh hiệu “làng văn hóa” liên tục từ 5 năm trở lên. Đây chính là nguyên nhân khách quan khiến Tam Đảo không hoàn thành tiêu chí 16. Song cũng phải thừa nhận, chương trình xây dựng nông thôn mới mới được triển khai 3 năm (từ 2011-2013) mà áp quy định phải có có 50% số thôn đạt danh hiệu văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên là điều khó thực cho Bồ Lý và Hồ Sơn. Điều đó có nghĩa, để đạt được tiêu chí 16, trước khi chương trình được triển khai, các địa phương phải đạt được danh hiệu làng văn hóa liên tục ít nhất là 2 năm. Như vậy, có lẽ chỉ những địa phương giàu nguồn lực, có truyền thống về phong trào xây dựng nhà văn hóa mới đáp ứng được tiêu chí trên. Còn đối với huyện nghèo miền núi, nhiều dân tộc thiểu số như Tam Đảo có lẽ việc không đạt tiêu chí 16 là điều tất yếu.
Trong kết luận của buổi kiểm tra, xét công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới tại xã Hồ Sơn (Tam Đảo), đồng chí Nguyễn Tiến Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng đoàn kiểm tra số 2 của tỉnh nhấn mạnh: “...Trong đợt kiểm tra, xét công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới lần này quan điểm của tỉnh là không dễ dàng song cũng không cứng nhắc...” Như vậy, có thể hiểu, đối với tiêu chí văn hóa ở huyện Tam Đảo, Đoàn kiểm tra cũng rất thông cảm, chia sẻ. Hy vọng, với tình hình thực tế bởi những nguyên nhân chủ quan, khách quan, Hội đồng xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh sẽ có những phân tích, cân nhắc thấu tình hợp lý để Tam Đảo có cơ hội hoàn thành các chỉ tiêu văn hóa trong chương trình xây dựng NTM.
Hà Trần