Những năm gần đây, huyện Tam Đảo đã phát huy lợi thế điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất tập trung, gia tăng giá trị, nhất là phát triển cây dược liệu, cây đặc sản tiềm năng. Nhờ vậy tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm đa dạng, giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Nông dân xã Đạo Trù (Tam Đảo) đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng
Để duy trì phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, những năm gần đây, huyện Tam Đảo chủ trương dồn ghép ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với từng vùng, địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế.
Hằng năm, theo mùa vụ, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện; UBND các xã, thị trấn chủ động liên hệ với các đơn vị chức năng của trung ương và tỉnh cung ứng đủ giống chất lượng phục vụ nhu cầu gieo trồng của nông dân.
Hướng dẫn nông dân quy trình, kỹ thuật sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng, chăm sóc lúa và rau màu, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế; vận động nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, quy trình VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe và tăng thu nhập; tích cực xây dựng mô hình liên kết sản xuất các nông sản của huyện.
Đến nay, 9/9 xã, thị trấn trong huyện đã quy hoạch xong vùng sản xuất trồng trọt tập trung hàng hóa. Những vùng chuyên canh cấy lúa trước đây giờ trở thành vùng sản xuất luân canh lúa và cây rau màu, cây dùng làm thức ăn chăn nuôi, cây xuất khẩu, cây dược liệu; vùng núi trồng cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị gia tăng cao như na dai ở xã Bồ Lý; trà hoa vàng ở thị trấn Đại Đình, xã Tam Quan; rau su su ở thị trấn Tam Đảo, Hợp Châu và xã Hồ Sơn; ớt xuất khẩu ở xã Đạo Trù; cây ba kích hữu cơ tại thị trấn Đại Đình... và được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp mã vùng trồng trọt truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm chủ lực của địa phương như na dai xã Bồ Lý, rau an toàn, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, rau su su thôn Đồng Thanh, xã Tam Quan, chuối thôn Đồng Sơn, xã Tam Quan…
Đặc biệt, huyện chỉ đạo thay giống lúa thuần, cây rau màu năng suất thấp, giá trị không cao sang giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon như Xi 23, NX 30, TBR 225, ADDI 28, SDI 168, Hà Phát 3, Hương Bình, Tân Ưu 98, Hương cốm 4, QR15…; ngô lai NK 4300, CP 511, Cp 512, LVN 61, SSSC 586, ngô nếp, ngô ngọt; dâu lai, lạc lai, hành, tỏi, khoai tây, bí đỏ F1, đậu tương ĐVN-5, DT96...
Các cây trồng này đã phát huy được thế mạnh trên đồng đất của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, mang lại thu nhập cao hơn từ 1,5-2 lần so với giống cũ.
Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện là 4.640 ha, đạt 99,8% kế hoạch, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước; diện tích cây hằng năm khác gieo trồng là 2.466 ha, đạt 98% so với cùng kỳ; năng suất lúa bình quân đạt 57 tạ/ha, đạt 105% kế hoạch, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản toàn huyện đạt hơn 1.111 tỷ đồng, tăng 3,29% so với năm 2022, trong đó, nông nghiệp tăng 3,25%. Giá trị sản xuất bình quân đạt 85 triệu đồng/người, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 0,86% theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2015-2020.
Vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn huyện gieo trồng được 2.848 ha cây lương thực, đạt 108,37% kế hoạch, trong đó cây lúa 2.253 ha, đạt 109,9% kế hoạch, năng suất lúa đạt 53 tạ/ha; cây ngô đạt năng suất 37,7 tạ/ha; sản lượng lương thực đạt hơn 11.940 tấn, chiếm 22,7% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn.
Ông Chu Văn Sáu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đảo cho biết: Những năm gần đây, kinh tế huyện Tam Đảo chuyển dịch mạnh mẽ sang hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, sản xuất tiểu thủ công nghiệp theo xu thế chung của tỉnh.
Tuy nhiên, huyện vẫn xác định sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Theo đó, chủ trương chuyển đổi từ phương thức sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa kết hợp với đầu tư chế biến tại chỗ sản phẩm nông nghiệp “thô” sang sản phẩm “tinh” để nâng cao giá trị và chuyển từ “thụ động” sang “chủ động” tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ khí hóa, cải thiện điều kiện lao động của nông dân, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển bền vững.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Tam Đảo đã và đang có những chuyển biến mạnh mẽ, là bước đệm giúp huyện thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập, tích cực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Xuân Hùng