Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp, Đề án "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp".
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Hà
Các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.
Đồng chí Vũ Giang Hậu, Giám đốc Sở Tư pháp và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội XV thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.
Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ và ban hành mới nhiều văn bản, bảo đảm phù hợp với quy định của luật.
Tính đến nay, đã có 60 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp. Ngoài hệ thống các cơ quan, đơn vị giám định tư pháp chuyên trách trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, cả nước có 580 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên môi trường với gần 3.000 giám định viên.
Hoạt động giám định tư pháp chủ yếu được thực hiện theo trưng cầu của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Cụ thể, từ năm 2018 đến ngày 30/6/2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực thực hiện 1.039.615 vụ việc. Trong đó, lĩnh vực pháp y thực hiện 396.264 vụ việc; lĩnh vực pháp y tâm thần thực hiện 45.423 vụ việc; lĩnh vực kỹ thuật hình sự thực hiện 578.438 vụ việc; còn lại ở lĩnh vực thông tin truyền thông, tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư…
Về cơ bản, việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định được các tổ chức giám định thực hiện nhanh gọn, đúng quy định. Kết luận giám định là chứng cứ chuyên môn quan trọng, góp phần vào việc giải quyết các vụ án chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội, không bỏ sót tội phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý giám định tư pháp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí phục vụ các tổ chức giám định hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, nhất là đối với các cơ quan tiến hành tố tụng; thường xuyên kiểm tra, thanh tra toàn diện công tác giám định tư pháp, từ đó, kịp thời tham mưu giải pháp triển khai Luật Giám định tư pháp ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần ngăn chặn vi phạm pháp luật và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.
Lê Minh