Những năm qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ, phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Hồng (ngoài cùng bên trái), Trưởng làng Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc tuyên truyền người dân thực hiện hương ước, quy ước của làng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ. Ảnh: Kim Ly
Trong bối cảnh sự phát triển của nền kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, nhận thấy sự cần thiết phải có một văn bản quy định chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản trong cộng đồng dân cư, từ năm 2000, làng Thụ Ích (gồm 4 thôn Thụ Ích 1, Thụ Ích 2, Thụ Ích 3, Thụ Ích 4), xã Liên Châu, huyện Yên Lạc đã xây dựng hương ước của làng.
Trước khi trình UBND xã công nhận, làng Thụ Ích đã tổ chức cuộc họp trưng cầu ý kiến nhân dân, các nội dung, quy định được người dân đưa ra bàn bạc, thống nhất.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng làng Thụ Ích cho biết: "Nhờ thực hiện hương ước, nhiều hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang đã được loại bỏ như tục thách cưới cao, tục lăn đường, đội mũ rơm, đốt vàng mã trong đám tang, tình trạng tảo hôn…
Việc thực hiện nếp sống mới văn minh, tiến bộ đã trở thành thông lệ không tổ chức đám cưới, đám tang, lễ mừng thọ, tân gia linh đình, gây tốn kém; không bày thuốc lá trong đám cưới, đám tang; không tổ chức ăn cỗ cưới trước 15h; định kỳ vệ sinh môi trường khu dân cư đảm bảo xanh - sạch - đẹp; tổ chức lễ mừng thọ vào các ngày quy định; việc xây cất mồ mả thực hiện theo quy định chung; người dân có ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ tài sản chung, công trình công cộng của làng…
Hương ước của làng được các gia đình thực hiện nghiêm túc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư. Hiện nay, làng Thụ Ích không còn hộ nghèo, không có trường hợp người dân vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 96% (năm 2023).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.237/1.237 thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước được phê duyệt và thực hiện tốt. Năm 2023, các địa phương đã tiến hành rà soát, xây dựng mới 37 bản hương ước, quy ước, trong đó, có 28 hương ước của các Làng văn hóa kiểu mẫu được bổ sung những nội dung văn minh, tiến bộ, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa Làng văn hóa kiểu mẫu, phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Nhờ thực hiện tốt hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đường làng, ngõ xóm tại làng Thụ Ích, xã Liên Châu luôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Kim Ly
Việc xây dựng hương ước, quy ước có sự bàn bạc, thống nhất cao của nhân dân, đảm bảo phát huy dân chủ, sát với đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, những lĩnh vực pháp luật chưa có quy định.
Hương ước, quy ước được thực hiện gắn với việc triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Các địa phương đưa vào hương ước, quy ước nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; nội dung, biện pháp xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng quy tắc giao tiếp, ứng xử giữa các hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố, phát huy tình làng nghĩa xóm.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc; thực hiện các giải pháp phát triển sự nghiệp giáo dục, công tác khuyến học; thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai; tuyên truyền, vận động con em đến độ tuổi tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật; vận động nhân dân tham gia, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước có tác động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở; giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng con người Vĩnh Phúc “Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới”, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh trong thời kỳ mới.
Để tiếp tục phát huy vai trò, giá trị của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội.
Tổ chức giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; chú trọng công tác động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước... Qua đó góp phần đưa hương ước, quy ước ngày càng đi sâu vào đời sống xã hội và phát huy tính hiệu quả.
Bạch Nga