Chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, từng bước hình thành NTM thông minh. Tuy vậy, nguồn nhân lực phục vụ CĐS ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện còn thiếu về số lượng và chất lượng chưa cao. Điều này đòi hỏi phải có sự quan tâm cùng những giải pháp thiết thực nhằm phát triển nguồn nhân lực CĐS.
Đoàn viên, thanh niên xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng ứng dụng VNeID. Ảnh: Nguyễn Lượng
Tháng 3 vừa qua, xã Liên Châu có 4 thôn thuộc làng Thụ Ích được UBND huyện Yên Lạc công nhận đạt chuẩn thôn NTM thông minh năm 2023.
Việc xây dựng thành công các mô hình thôn NTM thông minh làm thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân nơi đây.
Tại các thôn này, 100% số hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạp hóa, văn phòng phẩm, quần áo, dịch vụ ăn, uống, cơ khí… đã ứng dụng internet, mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử để quảng bá và bán sản phẩm; hơn 90% người dân sử dụng ứng dụng khám bệnh từ xa; 90% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh và hơn 80% người trưởng thành có tài khoản thanh toán trực tuyến…
Tuy vậy, chặng đường đi đến thành công ấy không dễ dàng. Ông Phùng Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Liên Châu chia sẻ: Bên cạnh khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất, thời gian đầu thực hiện CĐS trong xây dựng NTM, địa phương gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực.
Việc tiếp thu, ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ xã còn chậm, chưa đồng đều. Tỷ lệ người dân không sử dụng điện thoại thông minh còn nhiều, nhất là người cao tuổi.
Các tổ công nghệ số cộng đồng của xã sau thành lập cũng phải mất nhiều tháng làm quen, bổ sung kiến thức và các kỹ năng số cần thiết để hướng dẫn người dân.
Thực tế, không chỉ riêng xã Liên Châu, CĐS vẫn còn khá mới mẻ với hầu hết các địa phương nông thôn. Do đó, sự thiếu hụt về số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CĐS là khó tránh khỏi.
Báo cáo kết quả CĐS tỉnh năm 2023, UBND tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận: Nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các sở, ngành, huyện, thành phố còn rất thiếu và chưa thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới theo yêu cầu.
Vẫn có tình trạng cán bộ công nghệ thông tin tiếp tục xin thôi việc trong cơ quan Nhà nước gây khó khăn, bị động liên quan đến triển khai CĐS.
Cùng với đó, trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin của người dân nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập mà hệ quả là tâm lý e ngại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến cũng như tỷ lệ người dân chủ động tham gia dịch vụ công trực tuyến chưa cao.
Ở góc độ kinh tế, người dân nông thôn, đặc biệt là những người làm nông nghiệp còn thiếu cơ bản kiến thức thương mại điện tử, công nghệ thông tin, CĐS, an toàn an ninh thông tin; chưa được đào tạo kiến thức về CĐS.
Trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã xác định nâng cao nhận thức, đào tạo, tập huấn kiến thức về CĐS trong xây dựng NTM là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, từng bước hướng tới NTM thông minh.
Theo đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về CĐS trong xây dựng NTM, trong giai đoạn này, tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị, các đợt bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về CĐS, kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ xây dựng NTM các cấp, các doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế và người dân, cộng đồng ở nông thôn.
Ngày 22/4 vừa qua, Sở thông tin và Truyền thông - cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến phát triển nguồn nhân lực CĐS đã ban hành kế hoạch đào tào, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS năm 2024.
Dự kiến, ngoài các lớp đào tạo chuyển đổi nhận thức, phát triển nguồn nhân lực CĐS, phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, năm 2024, Sở sẽ tổ chức 5 lớp phổ cập kỹ năng số cho người dân, với các đối tượng chính là người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố, thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng.
Qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS, hình thành mạng lưới chuyên gia CĐS rộng khắp, xuyên suốt từ tỉnh xuống cơ sở làm nòng cốt tư vấn, hỗ trợ, triển khai và lan tỏa CĐS sâu rộng, toàn diện trong các tầng lớp nhân dân.
Nguyễn Hường