Với chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động hội”, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tích cực thực hiện các giải pháp ứng dụng CNTT trong triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ. Qua đó góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hội LHPN tỉnh quản lý hồ sơ hội viên thông qua phần mềm trên hệ thống máy tính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ảnh: Kim Ly
Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng internet và vài thao tác đơn giản là có thể truy cập trang fanpage “Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc” - là kênh thông tin, tuyên truyền các nội dung hoạt động, phong trào của tổ chức hội, thuộc quyền sở hữu của Hội LHPN tỉnh được xây dựng từ năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Qua gần 4 năm hoạt động, trang fanpage đã có 6.400 lượt thích và 8.900 lượt theo dõi với hàng nghìn bài đăng có nội dung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; các hoạt động truyền cảm hứng, mô hình phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp hiệu quả; những nội dung xã hội quan tâm; tuyên truyền về hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm…
Nhiều cuộc thi như “Duyên dáng áo dài”, “Dân vũ thể thao”… trực tuyến được triển khai thu hút nhiều lượt xem, tương tác và bình chọn, chia sẻ.
Đồng chí Trần Thúy Anh, Chánh Văn phòng Hội LHPN tỉnh cho biết: "Ứng dụng CNTT trong công tác hội là xu thế tất yếu, công cụ hữu ích giúp thay đổi phương thức hoạt động, vì vậy, các cấp hội đã khai thác, sử dụng hiệu quả tính năng mạng xã hội; xây dựng và duy trì 148 trang thông tin điện tử và trang fanpage; 1.484 nhóm zalo với 44.000 thành viên tham gia.
Nhờ đó, giúp công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp hội được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả; kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội; các phong trào thi đua được nhiều người truy cập, nắm bắt thông tin và hưởng ứng thực hiện".
Thực hiện khâu đột phá “Ứng dụng CNTT trong hoạt động hội”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tin học, kỹ năng ứng dụng công cụ vào các hoạt động hội như Microsoft Excel, Google Sheets, Microsoft PowerPoint…
Hội LHPN tỉnh khai thác văn bản chỉ đạo điều hành và trao đổi thông tin trên hệ thống văn bản điện tử của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thực hiện chữ ký số trong giao dịch điện tử và chỉ đạo điều hành hoạt động trong hệ thống hội.
Ứng dụng các phần mềm theo dõi, quản lý cán bộ, hội viên, cập nhật báo cáo thống kê và công tác thi đua khen thưởng trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam; chỉ đạo các cấp hội ứng dụng CNTT và thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, tuyên truyền kịp thời nội dung, hoạt động, phong trào của hội, của địa phương.
Hội đã ứng dụng các công cụ, phần mềm để xây dựng các tài liệu tuyên truyền trực tuyến như tờ rơi điện tử, infographic, các video clip…
Năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 150 cán bộ hội cơ sở về ứng dụng CNTT trong hoạt động hội. Đến nay, 100% cán bộ chuyên trách sử dụng thành thạo các phần mềm tin học cơ bản, sử dụng các công cụ trên môi trường mạng trong triển khai hoạt động hội.
Để hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, Hội LHPN tỉnh phối hợp Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (Sở KH&ĐT) tổ chức tập huấn về chuyển đổi số liên quan đến khởi sự kinh doanh cho hơn 150 hội viên phụ nữ là chủ doanh nghiệp, thành viên CLB Vườn ươm phụ nữ khởi nghiệp; 100 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được tập huấn về ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động doanh nghiệp…; tổ chức diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp, cơ hội và thách thức”, “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo”...
Thông qua nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, chị Vũ Thị Ngọc ở xã Văn Quán, huyện Lập Thạch rất nhanh nhạy trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nấm của gia đình.
Chị Ngọc chia sẻ: "Bên cạnh việc tiêu thụ sản phẩm ổn định trên thị trường, gia đình tôi đã chủ động sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nên sản phẩm nấm của gia đình đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, đặt hàng online với giá bán sỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg nấm tươi, 100.000 - 130.000 đồng/kg mộc nhĩ. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng từ mô hình trồng nấm".
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ở một số cơ sở hội chưa đạt hiệu quả cao do sự nắm bắt về công nghệ của một số cán bộ, hội viên còn hạn chế; phương tiện, thiết bị chưa đồng bộ để đáp ứng yêu cầu…
Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; tận dụng tối đa ưu thế của mạng xã hội trong tổ chức các hoạt động; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng hưởng ứng cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động; nâng cấp, cải tiến nội dung trang thông tin điện tử của các cấp hội… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò tổ chức hội trong tình hình mới.
Minh Thu