Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2020 do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý lên tới 960 nghìn tỷ đồng. Trong khi các nguồn vốn ngày càng khó khăn, việc huy động vốn ngoài ngân sách được xác định là kênh quan trọng. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện các giải pháp tiết giảm và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tiết kiệm một nguồn lực lớn cho ngân sách trong năm qua.

Thi công công trình cầu trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Tiết giảm hơn 35.500 tỷ đồng
Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh cho biết, thông qua việc rà soát, điều chỉnh quy mô, thiết kế và phân kỳ đầu tư các dự án nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành công trình, trong năm qua, Bộ đã tiết giảm được 35.517 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp giảm gần 9.400 tỷ đồng, ngoài ra, việc lựa chọn các giải pháp thiết kế phù hợp cũng giúp giảm hơn 11 nghìn tỷ đồng; rà soát phân kỳ đầu tư, giảm hơn 14 nghìn tỷ đồng. Nếu như trước đây hiện tượng chậm tiến độ, công trình kém chất lượng khá phổ biến trong ngành thì nay nhiều dự án, công trình hoàn thành vượt tiến độ với chất lượng cao, phát huy hiệu quả rõ rệt khi đưa vào sử dụng. Ngày 19-1 vừa qua, tại Hà Tĩnh, Bộ GTVT, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng nhà đầu tư Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) đã thông xe, đưa vào khai thác dự án mở rộng QL 1, đoạn nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh. Đây là dự án mở rộng QL 1 hoàn thành đầu tiên trên toàn tuyến sau 16 tháng thi công, rút ngắn chín tháng so hợp đồng.
Với giải pháp thi công hợp lý, nhà đầu tư Cienco 4 đã tiết giảm mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, còn hơn 1.900 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc rà soát, lựa chọn các giải pháp nhằm tiết kiệm ngân sách không chỉ dừng lại ở con số hơn 35.500 tỷ đồng kể trên. Bộ sẽ tiếp tục xem xét, điều chỉnh quy mô, phân kỳ đầu tư một số dự án và chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án bằng mọi giá không điều chỉnh làm vượt tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt; thực hiện các giải pháp nhằm tiết giảm và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong tất cả các khâu từ chủ trương đầu tư đến thiết kế. Bộ đã thống nhất với Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán toàn bộ các gói thầu xây lắp thuộc dự án mở rộng QL 1 và QL 14, bảo đảm thống nhất về giá xây dựng đối với dự án. Đồng thời, chấn chỉnh công tác đấu thầu và ngăn ngừa tình trạng bỏ thầu với giá không hợp lý hoặc cạnh tranh không lành mạnh.
Theo đánh giá của một số chuyên gia giao thông, việc rà soát, cắt giảm những khoản đầu tư bất hợp lý là điều cần thiết, tuy nhiên, cần phải xem xét, đánh giá đúng quy mô của dự án, tránh việc "hạ cấp công trình". Cũng từ việc này, cho thấy câu chuyện quản lý, thẩm định dự án giao thông trước đây vẫn còn nhiều kẽ hở, buông lỏng khâu giám sát, tạo kẽ hở tiêu cực cho một số đối tượng.
Bộ GTVT đặt mục tiêu kế hoạch đầu tư phát triển trong năm nay, hoàn thành kế hoạch thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao, dự kiến hơn 865 nghìn tỷ đồng; phối hợp các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB và triển khai thi công các dự án. Đồng thời kiểm tra, giải quyết ngay những vướng mắc liên quan tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những yếu kém về chất lượng, sự cố công trình; quy rõ trách nhiệm những tập thể, cá nhân liên quan; loại bỏ ngay các nhà thầu năng lực yếu kém ra khỏi các dự án của ngành. Năm nay, Bộ GTVT sẽ khởi công 35 dự án và phấn đấu hoàn thành 58 công trình, dự án; trong đó có các dự án trọng điểm như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào năm 2016 các dự án mở rộng QL1 và QL 14, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi, đường ô-tô Tân Vũ -Lạch Huyện,...
Huy động 80 nghìn tỷ đồng
Năm qua cũng được ghi dấu là một năm thành công vượt bậc trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách của ngành giao thông.
Riêng trong năm 2013, ngành đã huy động 80 nghìn tỷ đồng (chưa kể nguồn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam), cao nhất từ trước đến nay. Riêng tuyến quốc lộ (QL) 1, đã huy động 18 dự án BOT (tương đương 627 km đường, giá trị 50 nghìn tỷ đồng); QL 14 huy động ba dự án BOT (112 km, giá trị 3.700 tỷ đồng). Tất cả các dự án này đã được khởi công để phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2016 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, một trong những nhân tố đạt được đột phá huy động ngoài ngân sách của ngành như trên là đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù để triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng QL 1 và QL 14, cơ chế thí điểm PPP Dầu Giây - Phan Thiết; Bộ Tài chính ban hành mức thu phí đường bộ hoàn vốn các dự án BOT. Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường công tác quản lý, huy động nguồn vốn cho các dự án đầu tư BOT, BT. Chưa bao giờ các dự án BOT lại được quản lý chặt chẽ, quy định tổ chức thực hiện cho các cơ quan thuộc bộ, các ban quản lý dự án rõ ràng như hiện nay.
Việc xã hội hóa đã góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, xã hội hóa mới chỉ có ở lĩnh vực đường bộ, còn hàng không, đường sắt, đường thủy,... chưa huy động được. Công tác quản lý chất lượng, năng lực các chủ thể tham gia đầu tư vẫn còn lỏng lẻo, chưa đủ mạnh. Năm 2014 này, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư ngoài ngân sách, tăng cường giải ngân (dự kiến thu hút ít nhất 32 nghìn tỷ đồng, giải ngân 41.300 tỷ đồng), bảo đảm tiến độ chất lượng, hoàn thiện thể chế chính sách, nghiên cứu đề xuất một số cơ chế chính sách về giá, phí để đầu tư các dự án BOT, PPP về hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy, các ưu đãi hỗ trợ nhà đầu tư,...
Điện tử
( Theo Nhân dân)