Mùa xuân năm 1960, Bác Hồ đã phát động “Tết trồng cây” đầu tiên. Thực hiện lời dạy của Bác, 54 năm qua, việc trồng cây đầu xuân đã trở thành nét đẹp truyền thống, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng lại nhiệt liệt hưởng ứng, tích cực tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Đầu xuân, nông dân huyện Lập Thạch triển khai trồng rừng. Ảnh Trần Tỉnh
Trồng cây đầu xuân đã trở thành ngày hội náo nức - việc làm có ý nghĩa để cho môi trường ngày thêm xanh tươi. Trồng cây giúp chúng ta có được nguồn tài nguyên phong phú phát triển ngành công nghiệp gỗ, sản xuất ra những đồ vật hữu dụng phục vụ đời sống và sản xuất. Trồng cây tạo ra những cảnh quan đẹp hơn; hơn nữa, cây xanh còn có tác dụng điều hòa không khí, chống lũ, bảo vệ đất đai và góp phần mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội, gia đình. Thực tế cho thấy, con người sống không thể tách rời khỏi thiên nhiên, không thể thiếu mây trời, cây cỏ, phải biết tôn trọng giá trị to lớn mà thiên nhiên ban tặng. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân ta phải biết bảo vệ rừng như bảo vệ ngôi nhà chung của chính mình vậy.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra Nghị quyết và để ứng phó với biến đổi khí hậu độ che phủ rừng của Vĩnh Phúc phải đạt 26,7% vào năm 2015, tỷ lệ cây xanh đạt khoảng 20-25%. Trong khi độ che phủ rừng của tỉnh năm 2012 mới đạt 23,6%, tỷ lệ cây xanh trong đô thị, các khu công nghiệp, khu dân cư đang còn ở mức thấp. Để đạt được mục tiêu như Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, năm 2013, toàn tỉnh đã trồng mới được 610 ha rừng sản xuất và trên 600.000 cây phân tán các loại. Năm 2014, tỉnh ta có kế hoạch phấn đấu trồng rừng tập trung khoảng 800 ha và 1.000.000 cây phân tán…Theo đó, ngày 8-2-2014 (mùng 9 Tết) tỉnh ta đã tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Ngọ 2014 tại Trung tâm văn hóa Lễ hội Tây Thiên (Tam Đảo).
Từ ngày 7-10/2/2014, tất cả các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức ra quân trồng cây, trồng rừng và phát động “Tết trồng cây”, các doanh nghiệp cơ quan, đơn vị, trường học cũng đều tổ chức trồng cây đầu xuân tại cơ sở. Riêng trong dịp “Tết trồng cây”, toàn tỉnh phấn đấu trồng được khoảng 120.000 cây các loại. Cơ cấu cây trồng được bố trí với 2 nhóm chính: Các loại cây đa mục đích, sống lâu năm, bền vững, chủ yếu cho phong cảnh, bóng mát, môi trường và cây lấy gỗ; các loài cây ăn quả phù hợp với điều kiện sinh thái ở mỗi địa phương. Cây giống phục vụ trồng cây, trồng rừng của tỉnh và các đơn vị, địa phương trên địa bàn đã được Trung tâm phát triển Lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc sản xuất, sẵn sàng cung ứng kịp thời, đáp ứng nhu cầu, đảm bảo chất lượng tốt. Trung tâm cũng được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn cây giống sử dụng trên địa bàn. Việc chuẩn bị đất trồng cũng được các địa phương đặc biệt chú ý tận dụng mọi nguồn đất: công sở, trường học, các trục đường mới mở, trang trại, vườn hộ gia đình…để thực hiện trồng cây, trồng rừng đạt kết quả cao.
“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” là việc làm thiết thực, tiếp tục làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục tới mọi tầng lớp nhân dân hiểu thêm tác dụng và hiệu quả của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng là việc làm vừa ít tốn kém nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đó cũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền tiến tới thực hiện xã hội hóa nghề rừng, quyết tâm đưa ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng và có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện môi trường sinh thái và cảnh quan môi trường của tỉnh, khu vực.
Mùa xuân đã về, cây cối đang đua nhau đâm chồi nảy lộc, mọi người dân cùng chung lòng xây dựng quê hương Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh giàu có, phồn vinh như lời căn dặn của Bác khi về thăm Vĩnh Phúc.
Trần Tỉnh