Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã họp phiên bế mạc. Không chỉ riêng các đại biểu Quốc hội mà cử tri và nhân dân cũng đánh giá đây là kỳ họp có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng cao, đạt được nhiều kết quả quan trọng và thành công tốt đẹp.
Cẩn trọng, kỹ lưỡng và chất lượng
Như kỳ họp trước, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV được chia làm 2 đợt và có thời gian nghỉ giữa kỳ họp kéo dài 1 tuần để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao khi được bấm nút thông qua và ban hành.
Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc để lại nhiều dấu ấn tích cực tại kỳ họp
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua 7 Luật và 9 Nghị quyết và cho ý kiến vào 8 dự án Luật; Đồng thời thảo luận, xem xét quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
Phải khẳng định, Kỳ họp thứ 6 đã đánh dấu một nửa chặng đường mà Quốc hội khoá XV đã đi qua. Trong đó toát lên tinh thần đổi mới, quyết liệt vì một Quốc hội hoạt động tận tâm, đưa tiếng nói tại nghị trường ngày càng sát với các vấn đề quốc kế dân sinh. Tại Kỳ họp thứ 6, không khí làm việc rất sôi nổi, khẩn trương và trách nhiệm. Trong đó, việc thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật cũng như tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi nổi, nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng,…
Đơn cử như phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có tới gần 100 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và bấm nút tranh luận. Điều này cho thấy, các đại biểu rất trách nhiệm, quan tâm đến nhiều vấn đề mà dự thảo luật này đưa ra.
Chia sẻ với phóng viên, cử tri Nguyễn Tiến Dũng, phường Liên Bảo thành phố Vĩnh Yên cho rằng: Quá trình theo dõi toàn bộ kỳ họp tôi nhận thấy, với nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, hoạt động chất vấn tại kỳ họp cho thấy rõ những chuyển biến trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề. Nhìn chung, các câu hỏi chất vấn đã thể hiện đúng trọng tâm vấn đề đang tồn tại, cấp bách của thực tiễn cuộc sống, qua đó tạo nên phiên chất vấn thực chất, mang tính xây dựng cao.
Không riêng anh Dũng, nhiều cử tri và người dân được hỏi đều đánh giá cao các tư lệnh ngành đã trả lời rất thẳng thắn, không vòng vo, không né tránh. Đặc biệt, Chính phủ đã thẳng thắn, đứng trước Quốc hội thừa nhận một số lĩnh vực điều hành còn chậm, còn hạn chế.
Điển hình như trong việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã mạnh dạn thừa nhận những hạn chế trước Quốc hội vì có nhiều khó khăn, bất cập mà chương trình mục tiêu quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Thông qua giám sát đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và kịp thời có giải pháp phù hợp khắc phục nhằm đảm bảo việc triển khai hiệu quả khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Đặc biệt, cử tri cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đánh giá rất cao việc kỳ họp chưa thông qua một số dự án luật phức tạp, có nội dung tác động rộng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để hoàn chỉnh dự thảo, rà soát, thiết kế phương án chính sách tối ưu đối với một số nội dung, chính sách lớn vẫn còn những quan điểm khác nhau. Điều đó đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, cẩn trọng, kỹ lưỡng của Quốc hội để đảm bảo chất lượng các dự án luật sau khi thông qua đảm bảo được tính khả thi và sức sống bền lâu.
Dấu ấn Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trải qua 22,5 ngày làm việc với khối lượng công việc lớn, cường độ làm việc cao, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia đầy đủ các phiên họp, các hoạt động của các cơ quan Quốc hội với 29 buổi thảo luận hội trường, 7 buổi thảo luận tổ và nhiều phiên họp toàn thể khác.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh tham gia thảo luận tại kỳ họp
Tại kỳ họp, các đại biểu của Đoàn đã tham dự đầy đủ các phiên họp theo chương trình của kỳ họp. Các đại biểu quốc hội trong Đoàn đã tích cực nghiên cứu, tham gia góp ý toàn diện vào hầu hết các dự thảo Luật, Nghị quyết, các báo cáo và quyết định các vấn đề quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp, đã có 15 lượt đại biểu tham gia phát biểu thảo luận và tranh luận tại hội trường; 100 % các đại biểu tham gia phát biểu thảo luận tại tổ; Các ý kiến của các đại biểu đã thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của cử tri Vĩnh Phúc gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Các đại biểu trong Đoàn còn thực hiện chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ về các lĩnh vực như Thanh tra, Giao thông vận tải, Công thương; chất vấn bằng văn bản đối với bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương Binh và xã hội, đồng thời các đại biểu trong Đoàn cũng tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng tối đa hiệu quả thời gian để làm rõ nội dung chất vấn.
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, trách nhiệm, các đại biểu trong đoàn đã phát biểu nhiều vấn đề đúng và trúng, thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của nhân dân và cử tri. Trong đó, có những vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết đầy đủ và căn cơ, cũng có vấn đề mới phát sinh. Các ý kiến chất vấn đã được các bộ, ngành tiếp thu nghiêm túc và đã có những chỉ đạo cụ thể để giải quyết.
Với những hoạt động cụ thể, thiết thực, Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần quan trọng vào thành công chung của kỳ họp, tiếp tục giữ vững vai trò, vị thế của cơ quan dân cử, củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Để có được những dấu ấn quan trọng ấy, bám sát quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuẩn bị từ sớm, từ xa, lấy chất lượng kỳ họp làm chính, trước thềm Kỳ họp thứ 6, bên cạnh hoạt động tiếp xúc cử tri, ngay khi có dự thảo luật, nghị quyết và các tài liệu, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, các đối tượng chịu tác động của chính sách, pháp luật.
Các ý kiến góp ý được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi các ĐBQH trong đoàn làm tư liệu tham gia thảo luận tại kỳ họp. Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai khảo sát thực tế, tổ chức hội nghị xây dựng pháp luật, hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về một số dự án luật.
Để có những ý kiến chất lượng, thiết thực góp ý vào các dự án luật và nghị quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã thu thập tài liệu, chủ động nghiên cứu, chuẩn bị nội dung thảo luận; phân công các ĐBQH tập trung nghiên cứu và tham gia thảo luận các nội dung theo lĩnh vực chuyên sâu.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh khẳng định: Nhờ sự chủ động, tích cực, chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả vào thành công của Kỳ họp thứ 6, cùng Quốc hội đưa ra những quyết sách quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn thường xuyên tiếp nhận được ý kiến của cử tri để phát huy cao nhất trách nhiệm người đại biểu dân cử, đáp ứng ngày càng tốt sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.
Thiệu Vũ