Luật Nghĩa vụ quân sự quy định, công dân khi đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với Tổ quốc. Qua công tác tuyển quân tại các địa phương cho thấy vẫn còn tình trạng các gia đình, thanh niên không nhận lệnh gọi khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Với các trường hợp này, chính quyền địa phương đã tiến hành xử phạt hành chính để chấn chỉnh, răn đe.
Trong tháng 11, huyện Tam Dương có một số trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính do cố ý không nhận lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; có hành vi gian dối, làm sai lệch kết quả sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Đối với những trường hợp trên, UBND huyện Tam Dương đã ban hành các quyết định xử phạt hành chính từ 13,5 - 15 triệu đồng.
Như trường hợp N. T. L, sinh năm 2004, trú tại xã Hoàng Lâu (Tam Dương). Vào ngày 2/11, tại gia đình ông N. V. Th (bố đẻ của anh L.), Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã Hoàng Lâu tổ chức giao lệnh gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Thời điểm này, anh L. vắng mặt, nhưng ông Th. cũng không đồng ý nhận lệnh thay con trai với lý do: “Con tôi không ở nhà nên tôi không nhận thay”.
Đến ngày 8/11, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự địa phương tiếp tục tổ chức giao lệnh gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ cho N. T. L tại trụ sở UBND xã Hoàng Lâu, nhưng L. không có mặt để nhận lệnh.
Hành vi trên của N. T. L là cố ý không nhận lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và không có lý do chính đáng. Căn cứ các quy định, UBND huyện Tam Dương ban hành quyết định xử phạt hành chính 13,5 triệu đồng đối với N. T. L
Hay trường hợp N. V. H, sinh năm 2002, xã An Hoà (Tam Dương). Vào ngày 9/11, tại buổi khám sức khỏe ở Trạm Y tế xã An Hoà, cán bộ y tế phát hiện kết quả xét nghiệm của H dương tính với chất ma túy.
Qua làm việc, anh H cho biết, trước khi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự đã sử dụng 1 viên thuốc màu vàng; 3 viên thuốc màu xanh (dạng viên nén) với mục đích làm sai lệch kết quả xét nghiệm để không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2024. Hành vi gian dối của H đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tam Dương khám tuyển sức khoẻ nghĩa vụ quân sự cho thanh niên địa phương.
Tại huyện Tam Dương, phần lớn các trường hợp bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng là do không nhận lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và không có lý do chính đáng. Các hành vi này bị chính quyền địa phương xử lý nghiêm minh nhằm chấn chỉnh, răn đe thanh niên không chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự.
Thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh đang tổ chức khám sức khỏe cho thanh niên nhập ngũ năm 2024. Khâu sơ tuyển rất quan trọng để lựa chọn các thanh niên có đủ sức khỏe tham gia nhập ngũ. Bên cạnh các công dân gương mẫu chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự còn tình trạng thanh niên sử dụng “thủ thuật” làm sai lệch kết quả để trốn tránh nghĩa vụ.
Do đó, Ban CHQS các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với Hội đồng khám sức khỏe NVQS thống nhất phương pháp, cách thức tiến hành khám sức khỏe khoa học, có sự giám sát chặt chẽ, không để các hành vi gian dối, ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra.
Theo đó, tổ chức phúc tra đối với những trường hợp nghi ngờ có sử dụng thuốc, chất kích thích nhằm chống, trốn khám sức khỏe; bố trí nơi ăn, nghỉ để chờ tái khám lần 2 cho công dân có kết quả mạch nhanh, huyết áp chưa ổn định; sử dụng máy đo tật khúc xạ để đo mắt đạt tỷ lệ chính xác cao; bố trí cán bộ kiểm tra, giám sát quá trình lấy mẫu, xét nghiệm nước tiểu, máu; yêu cầu các y, bác sĩ tham gia khám để điện thoại bên ngoài để đảm bảo khách quan trong chẩn đoán kết quả.
Thanh niên trong độ tuổi của xã Hợp Thịnh (Tam Dương) đăng ký thông tin trước khi vào khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và Ban CHQS các huyện, thành phố trong công tác phối hợp tuyển quân, đến đầu tháng 11, toàn tỉnh có hơn 8.000 thanh niên đủ điều kiện khám tuyển sức khỏe; có 2 huyện đã tổ chức khám tuyển là Tam Dương, Bình Xuyên và đã chọn được 166 thanh niên đủ điều kiện về sức khỏe để nhập ngũ.
Với quyết tâm không để thiếu, sót, lọt nguồn, không để sai hoặc nhầm lẫn, đảm bảo dân chủ, công bằng, đúng luật trong công tác tuyển quân, thời gian tới, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt phương châm “rà từng người”.
Đồng thời tích cực tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự, trong đó chú trọng phổ biến các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, vi phạm quy định về nhập ngũ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và Luật Nghĩa vụ quân sự nói riêng cho các tầng lớp nhân dân.
Theo Nghị định số 37/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ từ 50-75 triệu đồng.
Cũng theo Điều 332 Bộ luật Hình sự, đối với các trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn nghĩa vụ quân sự, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng, mức phạt tù tối đa là 5 năm.
Bài, ảnh: Hà Trần