Thực hiện Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đang tích cực vào cuộc triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Tuy nhiên, khi thực hiện sắp xếp, việc lựa chọn tên cho các địa phương mới cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo có ý nghĩa, phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa và nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Lãnh đạo xã Triệu Đề (Lập Thạch) lắng nghe ý kiến của người dân về việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sáp nhập xã Triệu Đề với xã Đình Chu. Ảnh: Dương Hà
Theo phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh đã đề xuất tên mới cho các địa phương sau sắp xếp. Việc dự kiến đặt tên cho các địa phương mới được thực hiện theo một số cách thức: Ghép một phần tên của những địa phương cũ để tạo thành tên địa phương mới; đặt lại tên mới; giữ nguyên tên của một địa phương cũ có lịch sử lâu đời hơn hoặc là tên chung của các địa phương trong lịch sử.
Với các cách thức này, dự kiến tên của các địa phương mới hình thành sau sắp xếp đều đảm bảo yếu tố có ý nghĩa, phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa. Cụ thể, ở huyện Tam Dương, xã Vân Hội sáp nhập với xã Hợp Thịnh, dự kiến lấy tên mới là Hội Thịnh. Tại huyện Vĩnh Tường, xã Tân Tiến sáp nhập với xã Đại Đồng, lấy tên xã mới là Đồng Tiến; xã Việt Xuân sáp nhập với xã Bồ Sao, lấy tên mới là xã Mộ Chu; xã Lý Nhân sáp nhập với xã An Tường, lấy tên mới là Lý An...
Ở những nơi sáp nhập ĐVHC nông thôn với ĐVHC đô thị cấp xã, việc giữ nguyên tên của ĐVHC đô thị cấp xã cũng rất khả thi như sáp nhập xã Nhạo Sơn, Như Thụy và thị trấn Tam Sơn (Sông Lô) dự kiến lấy tên mới là thị trấn Tam Sơn; sáp nhập xã Vĩnh Sơn với thị trấn Thổ Tang, lấy tên mới là thị trấn Thổ Tang; sáp nhập xã Tam Phúc với thị trấn Vĩnh Tường, lấy tên mới là thị trấn Vĩnh Tường...
Tuy nhiên, cũng có một số tên địa phương mới được đề xuất trong phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 còn có ý kiến trái chiều.
Theo kế hoạch, 2 xã Phú Đa và Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường) sẽ thực hiện sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025, dự kiến lấy tên mới là Vĩnh Phú. Tuy nhiên, qua công tác nắm bắt dư luận xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân xã Phú Đa đều quan tâm đến việc xã mới sẽ được đặt tên là gì và trụ sở mới sẽ được đặt ở đâu? Nhiều người bày tỏ quan điểm cho rằng xã Vĩnh Ninh là đơn vị sáp nhập vào xã Phú Đa nên khi lựa chọn tên mới cần ưu tiên ý kiến của người dân xã Phú Đa.
Ông Nguyễn Kiêm Giang, thôn Đông, xã Phú Đa cho biết: Người dân chúng tôi đều rất đồng thuận với chủ trương sáp nhập ĐVHC cấp xã. Tuy nhiên, qua kết quả rà soát của tỉnh thì xã Vĩnh Ninh là đơn vị phải thực hiện sắp xếp do chưa đảm bảo các điều kiện về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.
Như vậy, xã Vĩnh Ninh là đơn vị sẽ sáp nhập vào xã Phú Đa. Do đó, khi thực hiện sắp xếp, việc lựa chọn tên cho ĐVHC mới nếu thực hiện giữ một phần tên của những địa phương cũ để tạo thành tên địa phương mới thì cần ưu tiên cho phần tên của xã Phú Đa đứng trước. Ví dụ có thể lấy tên là Phú Vĩnh hoặc Phú Ninh và nếu được thì giữ nguyên tên là Phú Đa để giảm bớt số lượng giấy tờ cần phải thay đổi thông tin về địa chỉ khi sắp xếp.
Điều 6, Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 quy định: Việc đặt tên, đổi tên ĐVHC hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Trường hợp nhập các ĐVHC cùng cấp thì khuyến khích sử dụng một trong các tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành sau sắp xếp.
Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sắp xếp 28 ĐVHC cấp xã để thành lập 13 ĐVHC cấp xã mới, giảm 15 ĐVHC cấp xã. Trong đó, có 2 đơn vị được thành lập từ 3 ĐVHC cấp xã; 11 đơn vị được thành lập từ 2 ĐVHC cấp xã.
Khi thực hiện sắp xếp, việc đặt tên ĐVHC mới hình thành là vấn đề được người dân địa phương rất quan tâm. Vì vậy, trên cơ sở phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh, các địa phương tổ chức họp bàn, lấy ý kiến của nhân dân về tên của ĐVHC mới để xác định được tên gọi có ý nghĩa, phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa.
Khi lựa chọn tên mới, cần hạn chế việc đặt tên trùng với các địa phương khác trong tỉnh để tránh gây hiểu lầm và bất tiện trong công việc hằng ngày. Việc đặt tên cũng cần cân nhắc đến phương án giữ nguyên tên của một trong những địa phương cũ để có thể giảm bớt được số lượng giấy tờ cần thay đổi thông tin về địa chỉ; tiết giảm thời gian, chi phí thực hiện sắp xếp.
Thanh Huyền