Chủ đầu tư và nhà thầu đang tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, đảm bảo kế hoạch, nguồn vốn phân bổ, phấn đấu sớm hoàn thành các dự án đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Từ đó, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh trong giai đoạn mới.
Dự án xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công thân trụ tháp T3. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ đầu năm đến nay, tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường và chấp thuận, giao ngành chuyên môn triển khai các thủ tục đầu tư một số dự án công trình giao thông quy mô lớn như cải tạo, nâng cấp ĐT.302, đoạn từ Km32+00 đến Km35+370 và xây dựng mới cầu Chang tại Km35+150; xây dựng nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, thành phố Vĩnh Yên; xây dựng 2 nút giao IC2, IC5 tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh; đường vành đai 4, đoạn từ huyện Bình Xuyên đến huyện Vĩnh Tường (giai đoạn 2); tuyến giao thông kết nối Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc với hệ thống giao thông khu vực…
Các công trình giao thông này được kỳ vọng là nguồn lực giúp kinh tế phục hồi, cũng như mở ra cơ hội mới cho sự phát triển chung của tỉnh.
Năm 2023, Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh được giao hơn 1.260 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, hơn 1.117 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2023, còn lại là vốn chuyển tiếp từ những năm trước sang.
Mặc dù gặp phải nhiều vướng mắc về thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng do chủ động lập kế hoạch, nỗ lực khắc phục khó khăn của các nhà thầu, nhiều dự án trọng điểm do Ban làm chủ đầu tư đảm bảo đúng tiến độ thi công tốt, điển hình như dự án Xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thi công.
Theo thiết kế, các hạng mục đầu tư của dự án Xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành gồm: Cầu, tường chắn đầu cầu; nền, mặt đường, hè phố, thoát nước, nút giao, hệ thống an toàn giao thông, điện chiếu sáng và trang trí đầu tư đồng bộ…
Điểm nhấn là cầu vượt đường sắt Vĩnh Yên - Lào Cai (lý trình Km55+200) tại phạm vi giao cắt với đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên sử dụng công nghệ cầu dây văng, trụ tháp cách điệu; chiều dài cầu hơn 368m, bề rộng mặt cầu 22,5m, đáp ứng 4 làn xe cơ giới. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 487 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các nhánh đường gom và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật tại dự án xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Nguyễn Lượng
Theo hợp đồng đã ký, dự án được khởi công vào cuối tháng 12/2022 và hoàn thành vào tháng 12/2024. Đến nay, nhà thầu đã thi công xong hạng mục cọc khoan nhồi và đổ bê tông bệ M1, M2, các trụ từ T1 - T7; đúc xong dầm bê tông chống thấm dự ứng lực trụ T1 và T2; lắp dựng đà giáo, ván khuôn đúc dầm bê tông chống thấm nhịp T4 - T5, M1 - T1.
Đối với hệ thống đường gom, nhánh N1 thi công hoàn thiện hào kỹ thuật và cống, thảm mặt đường và lắp đặt bó vỉa hè; nhánh N3 đã thi công xong hệ thống cống thoát nước, hào kỹ thuật, đang thi công hoàn thiện vuốt nối với đường Lý Thái Tổ và đổ bê tông vỉa hè; nhánh N4 đang thi công hào kỹ thuật và cống, nền đường gom, thoàn thiện đường ngang qua đường sắt để thực hiện phân luồng giao thông.
Đại diện nhà thầu cho biết: Do phạm vi xây dựng trải rộng trên nhiều tuyến đường trong thành phố Vĩnh Yên nên để đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi, đơn vị đã thực hiện rào chắn, phân luồng, lắp đặt biển cảnh báo và bố trí nhân viên điều tiết, đảm bảo giao thông an toàn trong suốt quá trình thi công dự án.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhà thầu đang tập trung nhân lực thi công hạng mục thân trụ tháp T3, đúc dầm bê tông chống thấm và lắp đặt dầm thép; gia công chế tạo dầm thép, tháp thép. Tiếp tục thi công các nhánh đường gom và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu đưa dự án “về đích” trước thời hạn 6 tháng so với hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, UBND tỉnh tiếp tục phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình đường bộ, đường thủy nội địa để phát huy tính chủ động của các địa phương.
Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách đột phá huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng các công trình giao thông với quy mô đầu tư lớn, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng tỉnh.
Chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, nơi có dự án để đẩy nhanh công tác GPMB, rà soát khả năng giải ngân vốn kế hoạch từng dự án, đề xuất thu hồi điều chuyển vốn những dự án không có khả năng giải ngân hết vốn kế hoạch sang những dự án có khả năng giải ngân. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án .
Ngọc Lan