Vài năm trở lại đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây phật thủ đem lại, một số địa phương như: Đại Đình, Tam Quan (Tam Đảo), Thổ Tang (Vĩnh Tường) đã tiến hành trồng thử nghiệm, kết quả theo đánh giá bước đầu cho thấy cây sinh trưởng tốt, một số vườn đã cho sai quả, hiệu quả cao.

Quả phật thủ đang được đóng gói để chuyển đi tiêu thụ.
Hiện tại, số phật thủ được trồng tại xã Thổ Tang đã được thương lái thu mua gần hết phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết Nguyên đán.
Được biết, từ những năm 2011, 2012, nhiều hộ dân tại các địa phương trong tỉnh chuyển hướng phát triển kinh tế hướng làm giàu từ cây phật thủ. Để trồng cây phật thủ, các hộ nông dân phải cất công xuống tận xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội - nơi được coi là “thủ phủ” của loại cây độc đáo này để mua cây giống và đem về trồng. Mới đây nhất, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã giới thiệu và trồng thử nghiệm giống phật thủ này tại một số hộ dân thuộc xã Đại Đình (Tam Đảo), đến nay, cây sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến năm 2014 sẽ bắt đầu cho quả.
Đến thăm vườn phật thủ của chị Nguyễn Phương Mai, khu Bắc Cường, Thị trấn Thổ Tang đúng thời điểm gia đình đang đóng gói bảo quản phật thủ để kịp chuyển xuống thị trường Hà Nội. Những quả phật thủ được bọc cẩn thận 2, 3 lớp giấy để đảm bảo nguyên vẹn trong quá trình vận chuyển, xếp lần lượt trong những chiếc thùng xốp. Qua tìm hiểu, gia đình chị Mai sau nhiều năm buôn bán không thành công đã trở về thuê đất, trồng lúa, trồng rau song hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Đầu năm 2010, biết được mô hình trồng phật thủ ở các vùng ngoại thành Hà Nội đem lại hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng nên gia đình chị đã mạnh dạn đưa cây phật thủ - một loại cây còn khá mới mẻ về trồng. Năm 2011, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện và thuê 2 mẫu đất từ người dân trong vùng, gia đình chị đã mua 200 cây giống, làm dàn. Khi mới bắt tay vào trồng phật thủ, chị Mai cũng gặp nhiều khó khăn. Không nản chí, gia đình chị quyết định thuê thêm 2 người bên xã Đắc Sở về phụ trách khâu kĩ thuật. Do tích cực chăm sóc, làm đúng quy trình kỹ thuật, đến năm 2013, cây phật thủ bắt đầu bói quả và cho gia đình chị nguồn thu.
Theo chia sẻ của chị Mai, phật thủ là loại cây ra quả quanh năm, chăm sóc phật thủ đòi hỏi nhiều công sức hơn các loại cây cho quả khác. Thời gian từ lúc trồng cây con đến khi ra quả khoảng 6 - 8 tháng. Cây phật thủ không chịu được ngập úng và khi trồng không được để cho lá cây rụng vào gốc vì lá cây có vị cay, gây độc cho cây. “Từ cách đây 3, 4 tháng, gia đình tôi phải tập trung làm cỏ, cắt tỉa những cành, lá bị bệnh không có khả năng ra quả để cây có thể phát triển tốt, đặc biệt là tăng cường bón phân để lứa phật thủ mới quả sai và ra nhiều “móng”, phục vụ dịp Tết Nguyên đán này”, chị Mai cho biết thêm. Do đây là mùa quả phật thủ đầu tiên nên gia đình chị Mai vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt là việc tìm hiểu các loại bệnh mà cây phật thủ thường hay gặp để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Ở mỗi một địa phương, khi đưa một giống mới vào trồng thì bên cạnh yếu tố phù hợp với đồng đất thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là vấn đề được người dân quan tâm. Chị Mai cho biết, mấy năm gần đây, quả phật thủ ngày càng được ưa chuộng, nhất là trong dịp Tết, nên gia đình chị cũng không phải lo đầu ra. Được biết, từ khi bắt đầu cho quả, thương lái từ Hà Nội đã đến tận vườn của chị để thu mua. Hiện nay, phật thủ được chị bán buôn là 80.000 - 100.000 đồng loại quả tầm 7- 8 lạng, giá cả tùy thuộc vào kích cỡ quả. Quả càng lớn, càng nhiều “móng”, xếp thành tầng và có dáng đẹp thì giá càng cao. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị có thể thu lãi gần trăm triệu đồng.
Hiện nay, người dân mua phật thủ không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, thắp hương vào ngày rằm, mồng một và dịp lễ, tết mà phật thủ còn có thể dùng làm thuốc khi sấy khô. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây phật thủ khá cao, gia đình chị Mai đã đầu tư mua thêm cây giống, đến nay đã có 400 gốc phật thủ và dự kiến sang năm 2014 sẽ cho quả cả vườn.
Lưu Nhung