Phát huy các giá trị truyền thống, tạo ra sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương, những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng thương hiệu các sản phẩm, tạo điểm nhấn trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM), góp phần giữ gìn, lan tỏa nét đẹp truyền thống của dân tộc và tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT - XH ở địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan tham quan gian trưng bày sản phẩm của cơ sở sản xuất nón lá Quang Oanh tại Lễ khánh thành Khu thiết chế văn hóa, thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Man Để, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc)
Trong số hàng chục gian hàng trưng bày tại Lễ khánh thành Khu thiết chế Văn hóa - Thể thao làng Man Để, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) đầu tháng 9 vừa qua, gian hàng nón lá của chị Nguyễn Thị Oanh, chủ cơ sở hoàn thiện và bao tiêu sản phẩm nón lá ở địa phương thu hút nhiều người đến tham quan, đặt mua bởi chất lượng sản phẩm tốt và nón lá còn là biểu tượng văn hóa, nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay.
Trước đây, để có thêm thu nhập cho gia đình, chị Oanh thường tranh thủ những lúc nông nhàn tìm về các làng nghề làm nón lá nổi tiếng như làng Chuông, làng Cao Xá, huyện Thanh Oai; làng Phú Châu, huyện Ba Vì (Thành phố Hà Nội) để mua đem về chợ Lầm (Tam Hồng) và một số chợ lân cận trên địa bàn huyện Yên Lạc bán lại. Thời điểm đó, giá bán 1 chiếc nón hoàn chỉnh chỉ lãi khoảng 500 - 700 đồng, trong khi đó người mua mất khá nhiều thời gian chờ đợi các cơ sở sản xuất hoàn tất các công đoạn làm nón.
Với suy nghĩ người dân ở địa phương, ngoài những ngày nông vụ, thời gian nhàn rỗi rất nhiều, chị mạnh dạn nhập những chiếc nón thô, chưa hoàn thiện về hoàn thiện. Chị dành hơn 1 tháng để học các công đoạn như cạp, đan nhôi, nẹp cước..., rồi hướng dẫn cách làm cho một số chị em trong xóm.
Nhờ năng động, hoạt bát, chị đã kết nối được nhiều mối hàng và trở thành đại lý bán buôn nón lá lớn nhất Vĩnh Phúc với khoảng 300 - 500 chiếc nón bán buôn cho các thương lái mỗi ngày. Cơ sở của chị tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài nón lá, cơ sở còn gia công mũ lá, nón lá dùng trong biểu diễn nghệ thuật, nón lá trang trí cho các nhà hàng…
Theo chị Oanh, nghề làm nón lá không đòi hỏi nhiều sức lao động, nên từ người già tới trẻ đều có thể tham gia các khâu hoàn thiện sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, một người thợ sẽ hoàn thiện được 30 - 40 chiếc nón lá, nếu chăm chỉ có thể làm được 50 chiếc, mang lại thu nhập thêm từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.
Cơ sở hoàn thiện nón lá của chị Oanh không chỉ giải quyết việc làm cho người dân vào lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập mà còn lưu giữ nét văn hóa Việt, tạo nên nét đặc trưng của địa phương trong xây dựng LVHKM.
Với ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Thủy sản Chiến Thắng, thôn Viên Du Hòa, xã Thanh Vân (Tam Dương) thì việc xây dựng LVHKM là đồng hành sự phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy, HTX tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm trứng gà Ai cập OCOP đặc trưng của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo chung cho cả thôn.
Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Chiến Thắng, thôn Viên Du Hòa xã Thanh Vân (Tam Dương) xây dựng thương hiệu trứng gà Ai Cập OCOP mang đặc trưng của làng văn hóa kiểu mẫu
Dẫn chúng tôi thăm quan khu trang trại chăn nuôi được đầu tư bài bản, xung quanh chuồng nuôi là ao cá và những hàng cây xanh, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa, ông Chiến cho biết:
Để xây dựng thương hiệu trứng gà Ai Cập đặc trưng của địa phương, HTX đã hướng dẫn các thành viên thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi, chú trọng khâu chăm sóc, nguồn nước, vệ sinh phòng dịch.
Khâu lựa chọn thức ăn cũng là khâu quan trọng, bởi muốn gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt thì thức ăn cho gà phải đảm bảo sạch, đủ chất dinh dưỡng. Đối với hệ thống chuồng trại, HTX thiết kế thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Ngoài ra, thay vì lót chuồng bằng trấu như cách thông thường, HTX dùng cám ủ với men vi sinh. Nhờ đó, toàn bộ phân gà thải ra được vi khuẩn phân giải, giảm thiểu công lao động vệ sinh chuồng trại.
Theo ông Chiến, gà Ai Cập lông trắng là giống gà có năng suất đẻ trứng cao, sức đề kháng và khả năng chống chịu bệnh tốt. So với các loại trứng gà khác, trứng gà Ai Cập có tỷ lệ cũng như chất lượng lòng đỏ nhiều, dinh dưỡng cao. Vì vậy, được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao. Với 10 nghìn gà đẻ, mỗi ngày, HTX thu được 8.000 quả trứng, giá bán 2.200 đồng/quả, thu về 17,6 triệu đồng/ngày.
Những người tiên phong phát triển kinh tế như chị Oanh, ông Chiến đã và đang tạo ra sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương, góp phần xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu thực sự là điểm nhấn về kinh tế, văn hóa; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc
Bài, ảnh: Mai Liên