Chị N.T.T.H (21 tuổi, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc) mang thai 34 tuần 3 ngày, ở nhà thấy đau bụng nên vào viện để thăm khám. Tại phòng khám, chị H có nhiều cơn co tử cung mau và mạnh. Kết quả siêu âm cho thấy, cổ tử cung của thai phụ thấp (chỉ khoảng 11 mm).
Một trường hợp khác, chị N.T.H (27 tuổi, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc) cũng mang thai lần đầu ở mốc 34 tuần. Thai phụ đau bụng âm ỉ, đã tự đi khám tại phòng khám gần nhà và phát hiện cổ tử cung ngắn nên được giới thiệu tới Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt để điều trị. Khi nhập viện, cổ tử cung của thai phụ H chỉ còn khoảng 7 mm - rất ngắn.
Qua thăm khám, các bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt nhận thấy đây là các trường hợp cổ tử cung ngắn dọa đẻ non nặng, tiên lượng giữ thai khó. Bệnh nhân được chỉ định nhập viên điều trị cắt cơn co bằng thuốc tractocil – một nhóm thuốc điều trị dọa đẻ non tốt nhất hiện nay.
Các thai phụ đã đáp ứng thuốc rất tốt, không còn cơn co tử cung, được ra viện sau ít ngày điều trị tích cực.
Cổ tử cung ngắn nguy hiểm thế nào?
Theo bác sĩ chuyên khoa I. Nguyễn Thị Diến – Phụ trách Khoa Phụ sản, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt: Ở phụ nữ mang thai, cổ tử cung ngắn quá mức sẽ khiến cổ tử cung giãn ra sớm hơn, trước giai đoạn thai trưởng thành, khiến cho cơ chế bảo vệ thai nhi không được đảm bảo. Khi đó, mẹ bầu dễ gặp phải tình trạng sảy thai hoặc sinh non.
Sinh non quá sớm khi các cơ quan của thai nhi chưa phát triển toàn diện có thể khiến trẻ tử vong sau khi sinh hoặc cần thời gian dài nuôi dưỡng đặc biệt sau sinh, sức khỏe và sự phát triển sau này cũng kém hơn trẻ bình thường.
Khuyến cáo của bác sĩ
Bác sĩ Diến cho biết: Không phải tất cả những mẹ bầu có cổ tử cung ngắn thì đều sảy thai hoặc sinh non, tuy nhiên, các mẹ bầu có yếu tố này nguy cơ sảy thai, sinh non sẽ cao hơn những mẹ bầu bình thường.
Chính vì thế, mẹ bầu cần theo dõi và khám định kỳ, kiểm tra chỉ số chiều dài cổ tử cung để đánh giá những rủi ro tiềm ẩn. Khi có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra máu, có cơn co tử cung… cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa phụ sản để thăm khám, điều trị kịp thời.
Nguyễn Thị Hồng Uyên
(Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt)