Từ sau thực hiện dồn thửa đổi ruộng (DTĐR), sản xuất nông nghiệp ở xã Đồng Ích (Lập Thạch) đã có sự thay đổi tích cực. Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa giống và mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ được triển khai trong vụ Mùa 2022 đang mở ra triển vọng mới cho Đồng Ích trong sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa.
Là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất toàn huyện Lập thạch với trên 800 ha, trong đó diện tích đất lúa là 604 ha, Đồng Ích có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong gieo cấy lúa với đạt sản lượng hàng năm lên tới 5000 tấn.
Cán bộ nông nghiệp xã Đồng Ích (Lập Thạch) kiểm tra đánh giá năng suất lúa tại mô hình sản xuất lúa giống quy mô 30 ha. Ảnh: Thế Hùng
Thực hiện chủ trương DTĐR, đến nay toàn xã thực hiện dồn đổi được 360 ha đất nông nghiệp ở 4 thôn Tân Lập, Hoàng Chung, Xuân Đán và Đại Lữ. Nếu như trước khi thực hiện công tác DTĐR mỗi hộ gia đình trung bình có từ 20 – 25 thửa, thậm chí có hộ có đến 30 thửa, thì sau DTĐR, mỗi hộ có chỉ có từ 1 – 3 thửa. Điều này, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất lúa của Đồng Ích.
Ông Triệu Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Ích cho biết: Trước đây, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa mới chỉ dừng lại ở khâu làm đất và thu hoạch. Sau DTĐR, với việc áp dụng cơ giới hóa đã mở rộng sang nhiều khâu khác.
Trong vụ Mùa năm 2021, lần đầu tiên trong xã đã đưa vào triển khai mô hình áp dụng mạ khay, cấy máy với diện tích 10 ha tại thôn Hoàng Chung. Đến nay, diện tích cấy máy không ngừng tăng, đạt 70ha/vụ, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, việc triển khai mô hình sản xuất lúa giống với quy mô 30ha và mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ với diện tích 40ha tại các xứ đồng của thôn Đại Lữ trong vụ mùa 2022 cũng đang góp phần tạo những chuyển biến quan trọng trong sản xuất lúa gạo của xã Đồng Ích.
Đây không phải là những mô hình trình diễn lúa đầu tiên của xã, cũng không phải là mùa đầu tiên bà con nơi đây đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nhưng với 2 mô hình này, việc áp dụng cơ giới hóa lần đầu tiên được thực hiện một cách đồng bộ ở tất cả các khâu từ làm đất, gieo mạ, cấy máy, tới bón lót, phun thuốc và cuối cùng là thu hoạch.
Chi phí sản xuất cũng nhờ đó mà giảm đáng kể: Chỉ với 590 nghìn đồng/sào, bà con gần như được giải phóng hoàn toàn sức lao động; trong khi trước đây, chỉ riêng chi phí cho làm đất và thu hoạch đã trên 300 nghìn đồng/sào, công thuê người cấy tay cũng lên tới 300 nghìn đồng/sào.
Là một trong những hộ tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích hơn 4 sào, bà Nguyễn Thị Chí (62 tuổi), thôn Đại Lữ không giấu được niềm vui: “Chưa bao giờ làm nông nghiệp lại nhàn như vậy. Cả vụ, chúng tôi cũng chỉ cần ra ruộng một vài lần bón phân, dọn cỏ rồi chờ ngày tới thu hoạch ra cân lúa. Như thế này, dù chỉ có một mình, tôi vẫn dư sức làm thêm vài sào nữa”.
Không chỉ vậy, một trong những điểm khác biệt trong triển khai mô hình của vụ mùa năm nay là đầu ra được Trung tâm Giống nông nghiệp bao tiêu hoàn toàn với mức giá cam kết theo hợp đồng là 7 nghìn đồng/kg thóc tươi.
Nhờ xóa bỏ được nỗi lo về tiêu thụ sản phẩm, bà con trong xã yên tâm sản xuất. Anh Đỗ Quốc Đoàn, cán bộ nông nghiệp xã Đồng Ích cho biết: Thông thường các hộ trong xã chỉ cần gieo cấy 1 vụ lúa là đã đủ gạo ăn. Nhiều hộ lo ngại nếu làm cả 2 vụ, lúa làm ra không bán được hoặc phải bán với giá rẻ. Do đó bà con không mặn mà với sản xuất vụ mùa”.
Bình quân các năm, nếu như sản lượng lúa vụ Xuân của xã đạt 3500 tấn, thì sang đến vụ Mùa chỉ đạt khoảng 1500 tấn. Tuy nhiên, trong vụ mùa này, các hộ tham gia 2 mô hình sản xuất lúa hữu cơ và lúa giống được cam kết bao tiêu sản phẩm nên bà con rất hồ hởi tham gia.
Diện tích gieo cấy trong xã cũng vì vậy mà tăng lên. Sản lượng lúa trong vụ mùa 2022 dự kiến có thể lên tới 1800 tấn. Nếu việc bao tiêu đầu ra tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo, chắc chắn diện tích gieo cấy lúa trong vụ mùa của xã sẽ còn tăng lên.
Những chuyển biến sau DTĐR cùng với hiệu ứng tích cực mà 2 mô hình sản xuất lúa trong vụ mùa năm nay đã tạo ra sức lan tỏa, mở đường cho địa phương hướng tới sản xuất lúa gạo hàng hóa.
Ông Triệu Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Ích khẳng định: “Phát huy những lợi thế vốn có, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đăng ký DTĐR đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở các thôn còn lại. Đồng thời, chủ động liên kết với các đơn vị, thúc đẩy liên kết hướng tới xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa, phấn đấu xây dựng thương hiệu gạo riêng có của Đồng Ích”.
Nguyễn Hường