Ở Việt Nam, theo Ủy ban ATGTQG, bình quân mỗi năm có tới 9000 người bị tử vong, hàng chục ngàn người khác bị thương tật vì TNGT. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 9.643 vụ TNGT, làm 3.364 người chết, 9.691 người bị thương, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2012. Trong số các vụ tai nạn ấy, mới 3 tháng đầu năm 2013, Vĩnh Phúc đã xảy ra 17 vụ (làm 16 người chết, 14 người bị thương). Chưa có con số thống kê cụ thể trong số 3.364 người tử nạn đó có bao nhiêu người đang đi trên vỉa hè, hành lang đường phố, hoặc đi sát mép phải của lộ trình; hoặc đang cố tình băng ngang đường khi không hề có dấu hiệu an toàn… mà bỗng dưng phải chết; song, có một dẫn chứng đau lòng là cuối năm 2012 ở huyện T. một công dân đang đi bộ rất từ tốn, đúng luật mà vẫn bị tử nạn, chỉ vì một chiếc ô tô do người điều khiển phương tiện không làm chủ tay lái đâm vào. Hay ở ngay thành phố Vĩnh Yên, một cụ bà đi bộ rất thận trọng, đúng phần đường mà luật Giao thông đường bộ (GTĐB) quy định, vẫn bị một chiếc xe máy “điên” húc gãy chân… Vậy là trong muôn ngàn nỗi lo TNGT thì có cả nỗi lo đi bộ chắc gì đã an toàn luôn thường trực trong đầu không ít khách bộ hành. Lý giải thực trạng này, các cơ quan chức năng (và cả người tham gia giao thông) xác định: Do nguyên nhân khách quan đem lại, đó là hạ tầng vật chất giao thông của chúng ta còn bất cập, đường nhỏ hẹp, xấu, thiếu biển báo, tín hiệu chỉ dẫn…trong khi lượng người và phương tiện tham gia giao thông lại quá nhiều, phức tạp. Điều đặc biệt lo ngại là tỷ lệ người vi phạm Luật GTĐB có xu hướng gia tăng, trong đó, có cả một bộ phận người đi bộ. Họ (mặc dù không phải tất cả) bảo thủ quan niệm rằng, mình đã đi bộ thì mọi phương tiện giao thông khác trên đường đều phải nhường đường. Ai va quyệt vào mình, người đó phạm lỗi. Thế là có người nghênh ngang đi giữa lòng đường (mặc dù ở đó có vỉa hè, hành lang thông thoáng); có người vượt đèn tín hiệu khi không được phép. Liều lĩnh hơn, có thanh niên leo qua cả dải phân cách hoặc đu bám vào phương tiện cơ giới khi đang lưu thông, trong khi trên vai mang vác những vật rất cồng kềnh. Quá quắt thay, có người còn dắt cả trâu, bò, đi vào đường cao tốc, thái độ thản nhiên như thách thức, ai mà đụng vào ta thì chỉ có mà đền ốm! Những đối tượng này trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ gây tai nạn cho chính mình và cả khách đi đường. Từ thực trạng này, để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, mỗi người hãy coi Luật GTĐB nói chung, điều 32 của Luật này nói riêng là quyền lợi, trách nhiệm của mình để nghiêm túc chấp hành. Điều đó có khó khăn gì đâu, chỉ là mỗi khi ra đường đi bộ thì nhớ đi trên vỉa hè hoặc lề đường bên phải. Trong trường hợp không có hè phố thì phải đi sát mép đường. Khi qua đường chỉ được đi ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ. Những nơi không có các hạng mục trên thì phải chú ý quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi đảm bảo an toàn (và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi qua đường). Dứt khoát không được vượt qua dải phân cách; không đu bám vào phương tiện đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải đảm bảo an toàn và không được gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia GTĐB. Phát huy tính cộng đồng, truyền thống nhân văn, mỗi khi thấy có trẻ em dưới 7 tuổi, người già, người tàn tật muốn qua đường thì hãy để tâm giúp đỡ, dìu họ qua đường. Động thái đó vừa được xem là đạo lý, song cũng là trách nhiệm công nhân. Về phía các cơ quan chức năng (và toàn xã hội) nên thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB cho người đi bộ; kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây TNGT và các biện pháp phòng tránh tai nạn; kêu gọi người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mỗi khi lưu thông hãy chủ động giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ. Một việc làm quan trọng, cấp thiết khác đó là tiếp tục huy động các nguồn lực để tạo điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông… Được như vậy, chắc chắn TNGT với người đi bộ sẽ giảm thiểu, tiến tới triệt tiêu. Đi bộ mà vẫn lo không an toàn. Nếu điều không may ấy xảy ra ắt chẳng phải tại số, mà vì những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan như đã nêu trên. Chính bởi vậy, mỗi công dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành Luật GTĐB để hạnh phúc luôn tràn ngập trong mỗi gia đình; để xã hội không phải đau lòng, tổn thất vì những chuyện không đáng có. Lã Thế Khanh |