Được biết, thị trường Tết năm nay các doanh nghiệp và hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị đến tiểu thương bán lẻ đánh giá sức mua sẽ thấp hơn, do nền kinh tế đang trong thời suy thoái . Nhiều nơi chỉ kỳ vọng sức mua tăng hơn so với ngày thường. Qua kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường, hàng hoá trên thị trường của tỉnh năm nay khá đầy đủ và phong phú. Một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm, nhất là rau xanh đang có biến động về giá, hiện giá thịt lợn, thịt gà tăng từ 30 ngàn đến 40 ngàn đồng/kg. Nhưng có lẽ, điều quan tâm nhất vẫn là tình trạng buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng lại đang có xu hướng gia tăng. Nỗi lo hàng giả thực sự đang là nỗi lo chung. Nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nay lại lo trước tình trạng hàng nhái, hàng giả, dù rất cố gắng nhưng nguy cơ bị đánh cắp thương hiệu vẫn hiện hữu. Nhiều doanh nghiệp đã liên tục thay đổi bao bì, mẫu mã để bảo vệ chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, song chỉ cần sau một tuần đến mười ngày, mẫu mã đó có thể lại bị đánh cắp và làm giả. Còn người tiêu dùng thì luôn đắn đọ, suy tính nên sử dụng hàng hoá nào cho đảm bảo chất lượng, ai cũng lo ngại về hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là mặt hàng phục vụ tết có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ sức khoẻ con người như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, mì chính, nước mắm.. Là lực lượng sâu sát với thị trường, những cán bộ Quản lý thị trường của tỉnh than phiền: Tình hình kinh doanh theo kiểu chụp giật đang tạo cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng tuôn ra thị trường, nhiều hộ kinh doanh chỉ nghĩ tới lợi nhuận trước mắt mà không nghĩ đến uy tín kinh doanh bền lâu. Doanh nghiệp nào cũng lên tiếng cho rằng sản phẩm của mình bị làm nhái, làm giả, nhưng thực tế không mấy khi doanh nghiệp bắt tay cùng cơ quan chức năng để chống hành giả. Thực tế ở Vĩnh Phúc mới có hãng mỹ phẩm Unilever, mì chính bột ngọt Ajinomoto..thường xuyên phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường để thông tin, thông báo khi thay đổi mẫu mã và thường xuyên phối hợp để kiểm tra nhận biết hàng giả, hàng nhái, vì vậy, những sản phẩm của họ luôn được bảo vệ thương hiệu. Thực tiễn cho thấy, hàng hoá được làm giả rất tinh vi, giống như hàng thật, rất khó phát hiện. Nhưng, nếu có sự phối hợp của doanh nghiệp, nhà sản xuất thì hàng giả sớm được phát hiện và xử lý. Ngày 10-1-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Nghị định có quy định sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y... sẽ bị xử phạt tối đa 100 triệu đồng. Theo đó, với những mặt hàng trên, hành vi buôn bán sẽ bị xử phạt tối đa đến 70 triệu đồng. Còn các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có dấu hiệu tội phạm theo quy định của Bộ Luật hình sự thì phải chuyển cơ quan điều tra xem xét truy cứu trách nhiệm theo quy định… Tuy nhiên, để phát hiện và có đầy đủ cơ sở xử lý đối với những trường hợp vi phạm trên không đơn giản, chỉ riêng lực lượng Quản lý thị trường chưa đủ, trong khi chính lực lượng này còn gặp khó khăn khi chưa có sự phối hợp của doanh nghiệp; công tác khám nghiệm, giám định chưa đáp ứng về một số chỉ tiêu; lực lượng mỏng và trang thiết bị phục vụ kiểm tra còn thiếu.... Trước tình trạng trên, theo khuyến cáo, trong lúc “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, người dân nên ưu tiên lựa chọn những nhãn hàng Việt Nam có uy tín vừa đảm bảo chất lượng, giá cả lại phải chăng, tránh lựa chọn hàng ngoại và đặc biệt là hàng hiệu, giá cả đắt nhưng rất dễ mua lầm hàng giả. Người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua hàng để tự bảo vệ mình. Nguyễn Trọng |