Dù khiếm khuyết một bên tay, Bảo Khanh luôn lạc quan, tự tìm đường du học, rồi giành gói học bổng kèm hỗ trợ tài chính 10 tỷ đồng của ngôi trường top 19 nước Mỹ.
Nguyễn Ngọc Bảo Khanh, học sinh trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS), nhận tin trúng tuyển Đại học Washington & Lee, hôm 14/12. Ngoài miễn học phí, tiền nhà, ăn, ở, bảo hiểm và chi phí sinh hoạt, Khanh còn được trường cho tiền mua máy tính, chi phí di chuyển, tổng cộng khoảng 400.000 USD (trên 10 tỷ đồng). Theo US News & World Report, ngôi trường này ở vị trí thứ 19 trong bảng xếp hạng đại học Mỹ.
"Thấy thư chúc mừng, em sợ mình mơ ngủ. Em rất vui vì đó là hành trình ấp ủ từ lâu rồi", Khanh nói.
Chị Đào Thu Huyền, cố vấn của Khanh, đánh giá mức hỗ trợ mà Khanh nhận được là khá hiếm. Khanh trúng tuyển bởi có thành tích học tập xuất sắc, hoạt động ngoại khóa đa dạng và bền bỉ. Khanh có điểm IELTS 8.5, SAT 1460/1600 và điểm IB (chương trình tú tài quốc tế) dự đoán 39/45.
Nguyễn Ngọc Bảo Khanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Biết tin, chị Nguyễn Thị Anh Văn, mẹ của Khanh, bật khóc vì xúc động. Chị kể con sinh ra với khiếm khuyết bên tay phải. Cánh tay của Khanh được cả nhà trìu mến đặt tên là "xúc xích". Từ đó, "xúc xích" trở thành người bạn thân của Khanh, cùng em lớn lên, học bơi, chơi piano, vẽ tranh và làm mọi việc.
Vì biết mẹ bận hai em nhỏ, gia đình lại gặp biến cố về kinh tế nên Khanh sống tự giác, chủ động đặt ra những mục tiêu cho bản thân. Năm lớp 6, em đỗ hệ song bằng của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, sau đó giành học bổng 100% của UNIS dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi. Nữ sinh học tại đây từ lớp 7 đến nay.
Khanh nói ước mơ du học từ khi vào UNIS. Trong môi trường quốc tế, được tiếp xúc với bạn bè đến từ nhiều nước, em khao khát ra nước ngoài học tập, tìm hiểu về thế giới.
Ban đầu, Khanh định học ngành Văn học vì mê văn chương, nhưng hồi lớp 9 khi dạy tiếng Anh miễn phí cho con của các nhân viên người Việt ở trường, em chuyển hướng, theo đuổi ngành Tâm lý học.
"Em muốn nghiên cứu não bộ, suy nghĩ của trẻ em từ lúc còn bé, ở tuổi thành niên đến khi trưởng thành", Khanh giải thích.
Chọn được ngành học từ sớm, nữ sinh tìm hiểu quy trình tuyển sinh của các đại học Mỹ, rồi lập kế hoạch thực hiện. Khanh cho biết nhắm tới các đại học khai phóng bởi có sĩ số lớp nhỏ, mạnh về ngành Tâm lý và đặc biệt hào phóng với sinh viên quốc tế. Em chọn Washington & Lee, với chương trình về Tâm lý xếp thứ 10 ở bang Virginia, Mỹ.
Xác định hai năm cuối của chương trình IB rất bận, Khanh tập trung hoạt động ngoại khóa từ lớp 9-10. Trong đó, em tâm đắc nhất với nghiên cứu tâm lý của những người mắc chứng rối loạn ăn uống - dự án của một môn học IB.
Theo nữ sinh, không ít người hiểu nhầm việc rối loạn là do chán ăn, giảm cân... nhưng thực tế đó là một bệnh về tâm lý khó chữa. Khanh biết một vài người bạn mắc chứng này, khiến ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt hàng ngày. Em muốn làm nghiên cứu để nâng cao nhận thức của mọi người về bệnh đó.
Lúc đầu, Khanh chỉ định làm dự án nhỏ nhưng khi khảo sát trên Twitter với hơn 2.000 người theo dõi, em nhận được ủng hộ nhiệt tình. Có nguồn dữ liệu lớn nên Khanh quyết định tìm một bác sĩ tâm lý để kết hợp làm báo cáo. Bác sĩ Iris Hertz ở Bangkok, Thái Lan, đã đồng ý hỗ trợ em.
Ngoài ra, vì mê vẽ, nữ sinh tham gia nhiều cộng đồng nghệ thuật quốc tế. Từ năm lớp 8, Khanh quảng bá tranh lên Instagram, Twitter, bán cho người nước ngoài với giá 10-100 USD (250.000-2,5 triệu đồng). Nhờ đó, em có cơ hội hợp tác với ban nhạc rock Car Seat Headrest ở Mỹ với hai triệu lượt người nghe hàng tháng. Khanh từng thiết kế ba nhãn dán (sticker), huy hiệu cho Car Seat Headrest và được ban nhạc này đăng lại trên Instagram.
Hiện Khanh chuyển từ tranh màu nước sang vẽ trên máy, duy trì kinh doanh trên mạng xã hội. Năm ngoái, nữ sinh được mời làm diễn giả của TEDx Talks, để chia sẻ về kỹ năng vượt qua sự tự ti và nghi ngờ bản thân.
Khanh cho hay bắt tay vào viết luận từ cuối năm lớp 11 và mất khoảng 5 tháng mới hoàn tất. Bài luận chính 650 từ yêu cầu nói về một khía cạnh của bản thân mà hồ sơ chưa thể hiện rõ. Ngoài Tâm lý, Khanh cũng muốn học thêm về nghệ thuật nên chọn viết về sở thích vẽ.
Bài luận mở đầu bằng hình ảnh em chấm cọ vẽ vào cốc nước, khiến những vệt màu nở loang ra trên mặt nước. Trước khi vẽ tranh bán, Khanh vẽ cho bản thân bớt cô đơn trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Vẽ cũng là cách thể hiện quá trình em trưởng thành. Khi mới chuyển sang ngôi trường mới, Khanh rụt rè, không nói chuyện cùng ai. Từ khi vẽ tranh, em giao tiếp với khách hàng và bắt đầu mở lòng để tìm hiểu thế giới xung quanh. Em muốn được "bung nở" như những bông hoa màu nước.
Trường Washington & Lee không bắt buộc bài luận phụ nhưng Khanh vẫn chọn, với đề bài kể về một cái tên hoặc biệt danh quan trọng với bản thân. Em từng ác cảm với tên "Khanh" vì thường bị gọi sai. Thầy cô nước ngoài ở trường không phát âm được chữ "kh", còn giáo viên tiếng Việt hay gọi em là Khánh. Khi tìm kiếm trên mạng ý nghĩa của từ "Khanh", nữ sinh thường được giải thích chữ "Khánh".
Khi hỏi bố mẹ về cái tên này, nữ sinh mới hiểu sức mạnh họ muốn gửi gắm vào đó.
"Em mang tên Khanh như một huy hiệu mà gia đình đã dành dụm cho mình", Khanh nói. "Em muốn tự viết lên ý nghĩa của cái tên mà không cần website nào định nghĩa".
Là người viết thư giới thiệu Khanh, cô Nora Graham, giáo viên nghệ thuật của UNIS, nói rất tự hào.
"Em ấy thực sự xứng đáng", cô Nora chia sẻ. "Kết quả này chứng minh cho sự chăm chỉ và quyết tâm vượt qua mọi trở ngại trên con đường thực hiện ước mơ của Khanh".
Trong thư giới thiệu, cô nhấn mạnh sự bền bỉ theo đuổi đam mê của Khanh, ấn tượng với cách em lưu lại hành trình nghệ thuật của mình trên Instagram, bắt đầu từ khi còn học cấp hai.
Thầy Hiệu trưởng Jeff Leppard nhận xét Khanh năng nổ tham gia các hoạt động, lãnh đạo đội nhóm và hỗ trợ các chương trình nhạc kịch, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp để điều hành doanh nghiệp nhỏ tương lai của mình.
"Khanh nổi bật không phải vì cố gắng để nổi bật, mà vì em nắm bắt mọi cơ hội có thể để phát triển và đối mặt với những thử thách mới", thầy Jeff nói.
Tháng 8 năm sau, Khanh sẽ lên đường sang Mỹ. Nữ sinh dự định sẽ học lên thạc sĩ, tiến sĩ và muốn trở thành bác sĩ tâm lý cho trẻ em.
"Em luôn lạc quan vì tìm được cái đẹp trong cuộc sống. Cuộc đời này rất dài và những ngày xấu thường ít hơn ngày tốt", Khanh nói.
Minh Nguyệt (Theo vnexpress.net)