Trước nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, huyện Tam Dương đang tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo sản xuất ổn định, chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ thị trường dịp cuối năm.
Những năm qua, huyện Tam Dương luôn dành nguồn lực đầu tư cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Ngoài tập trung phát triển “vựa rau” của tỉnh, chăn nuôi cũng được huyện Tam Dương xác định là ngành mũi nhọn trong cơ cấu nông nghiệp của huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.230 con trâu, 9.980 con bò, 91.000 con lợn và đàn gia cầm có hơn 4 triệu con. Tổng diện tích gieo trồng đạt hơn 9 nghìn ha, trong đó, diện tích gieo trồng rau các loại đạt hơn 1.600ha; cây trồng khác gần 448 ha như khoai sọ, khoai tây, ớt cay, cây sắn…
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như vùng sản xuất dưa chuột tại các xã, thị trấn An Hòa, Hợp Hòa, Hướng Đạo, Duy Phiên; vùng sản xuất bí đỏ tại thị trấn Hợp Hòa, xã Hoàng Lâu, Thanh Vân, Đạo Tú. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà, góp phần nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân.
Để bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định. Tiếp tục triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; thực hiện cơ cấu lại chăn nuôi.
Gia đình anh Phùng Chí Kiên, thôn 9, xã Hoàng Hoa (Tam Dương) mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gà đẻ, phục vụ thị trường dịp cuối năm. Ảnh: Nguyễn Lượng
Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đúng kế hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, bảo đảm phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan; mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh áp dụng quy trình VietGAP. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi, khi vào đàn hoặc tăng đàn phải bảo đảm nguồn giống an toàn, sạch bệnh và chất lượng.
Cùng với đó, duy trì đàn vật nuôi với số lượng hợp lý; tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với từng giai đoạn, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để tăng khả năng miễn dịch; thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.
Dịp cuối năm, nhu cầu rau xanh trên thị trường tăng mạnh, giá thành theo đó sẽ tăng từ 20 - 30%. Vì vậy, để đảm bảo năng suất, chất lượng, UBND huyện Tam Dương đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân tập trung áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện nay, các hợp tác xã trên địa bàn đang chạy đua với thời gian để cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ Tết. Điển hình phải kể đến Hợp tác xã Nông sản Tam Dương. Đây là đơn vị tiêu biểu trên địa bàn đã chủ động đầu tư, sản xuất theo hướng công nghệ cao với những sản phẩm rau củ quả trong nhà kính.
Mỗi năm, đơn vị trồng 3 vụ dưa lưới cho thu hoạch từ 9 - 10 tấn quả; 3 vụ dưa chuột. Ngoài ra, diện tích hoa đồng tiền, ớt chuông được trồng theo hình thức cuốn chiếu giúp đơn vị có nguồn thu nhập cao. Đặc biệt trong dịp Tết, các sản phẩm của hợp tác xã sẽ được các siêu thị trên địa bàn và một số công ty chế biến nông sản hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Trước những tín hiệu tích cực của thị trường Tết năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tám, xã Đạo Tú, đã kịp thời nuôi lứa lợn mới để bán ra thị trường. Theo ông Tám, giá thịt lợn hơi đang rục rịch tăng, sau khi trừ chi phí, người chăn nuôi có thể thu lãi gần 2 triệu đồng/con. Giá lợn hơi tăng khiến gia đình ông Tám cũng như các hộ nuôi lợn mạnh dạn mở rộng quy mô, tăng đàn.
Anh Phạm Ngọc Bảo, thôn Vỏ, xã Hoàng Lâu đang nuôi hơn 16 nghìn con gà trong chuồng trại được bố trí hệ thống thông gió, sưởi ấm, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống. Đàn gà của gia đình mỗi ngày cho gần 7 nghìn quả trứng, thu lãi cao mỗi ngày và đảm bảo cung ứng đủ sản phẩm cho các thương lái, người dân địa phương dịp cuối năm.
Thành An