Công nghệ 5G đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả ở nhiều ngành công nghiệp như sản xuất, nhà máy thông minh, cảng biển hay internet vạn vật công nghiệp (IoT). Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông rộng và IoT khi các nhà mạng trong nước đã chính thức triển khai thương mại 5G trên toàn quốc. Ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực sản xuất quan trọng của nền kinh tế.
Gian hàng giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến ứng dụng 5G của VNPT.
Theo các chuyên gia, 5G và tự động hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) là những công nghệ đột phá, có tiềm năng to lớn để cách mạng hóa ngành sản xuất. Việc ứng dụng hiệu quả 2 công nghệ này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.
Cơ hội và thách thức đan xen
“Quá trình khảo sát một nhà máy ô-tô ở Tây Ban Nha ứng dụng 5G và các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cho thấy, chi phí hoạt động của doanh nghiệp này giảm được khoảng 10%, tỷ lệ phát hiện lỗi sai sản phẩm tăng khoảng 30% và thời gian đáp ứng dịch vụ của khách hàng cũng giảm 50%,…”, Phó ban Công nghệ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ. 5G kết hợp với các công nghệ khác như điện toán đám mây (cloud), AI, dữ liệu lớn (Big data),... đang tạo ra hệ sản phẩm, dịch vụ cũng như các mô hình mới phục vụ rộng khắp nhiều lĩnh vực, khía cạnh của nền kinh tế. Việc chính thức cung cấp dịch vụ 5G sẽ là cơ hội để VNPT khai phá không gian kinh doanh mới.
Trưởng ban Chuyển đổi số Tổng công ty Viễn thông MobiFone Nguyễn Tuấn Huy đồng tình quan điểm nhà mạng sẽ có nhiều cơ hội với 5G, nhưng thách thức đi kèm cũng rất lớn. Theo đó, ARPU (doanh thu trung bình trên một khách hàng) cho khách hàng cá nhân dùng 5G ở các nhà mạng thế giới trung bình chỉ tăng được 1%, là mức không đáng kể. Trong khi đó, 20% tăng trưởng doanh thu lại đến từ khách hàng doanh nghiệp và Chính phủ. Chúng ta phải xác định 5G là dùng cho Chính phủ, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nền sản xuất của Việt Nam hiện nay chủ yếu làm gia công cho thế giới chứ chưa có nhiều nhà máy thông minh. Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tại các khu công nghiệp, chế xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh, 61% doanh nghiệp hoàn toàn chưa tự động hóa; 25% chỉ mới tự động hóa được một phần. Riêng mảng thông minh hóa, tỷ lệ còn thấp hơn rất nhiều. Dư địa để làm nhà máy thông minh ở Việt Nam còn rất lớn, nhưng nhận thức của các doanh nghiệp về câu chuyện này cũng rất thấp.
“5G chỉ là công nghệ kết nối, còn muốn xây dựng nhà máy thông minh cần triển khai dự án chuyển đổi số với nguồn lực đầu tư lớn. Các doanh nghiệp có nhà máy đang hoạt động, giờ lại đầu tư một nhà máy mới như Rạng Đông (một doanh nghiệp đã chuyển đổi số rất thành công) liệu có sẵn sàng hay không và quan trọng hơn là có nguồn lực tài chính để làm chuyển đổi số như Rạng Đông hay không”, ông Huy đặt vấn đề. Một thí dụ khác là Việt Nam hiện có gần 300 cảng biển, trong đó một số cảng hiện đã áp dụng hệ thống Cảng điện tử ePort, nhưng thực tế, mức độ hiện đại so với thế giới còn hạn chế. Muốn đầu tư một cảng thông minh đúng nghĩa thì hầu như phải làm mới hoàn toàn. Khi đó, với giá một cần cẩu thông minh là khoảng 1 triệu USD, xe tự lái trong cảng khoảng 200.000 USD, ai sẽ sẵn sàng bỏ tiền cho các khoản đầu tư này? 5G chỉ là chất xúc tác, công nghệ kết nối. Liệu cảng có sẵn sàng bỏ tiền cho một dự án chuyển đổi số như vậy không?
Ở các quốc gia khác, Chính phủ có rất nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Hàn Quốc đã bỏ ra 1,96 tỷ USD để đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Họ tiến hành đầu tư trực tiếp cho một số mô hình điểm; các viện nghiên cứu, trường đại học cũng có chính sách quốc gia về dùng 5G làm chất xúc tác phát triển kinh tế. Tương tự, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách “cánh buồm” để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng 5G như ưu đãi thuế, miễn phí tần số,… Nhưng ở Việt Nam hiện không được như vậy nên các doanh nghiệp Việt vẫn phải tự bươn trải. Nhà mạng Việt Nam đã đầu tư rất lớn cho 5G nhưng chưa nhìn thấy đầu ra; cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn.
Đẩy mạnh hợp tác
Từ thực tế triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ cho các khu công nghiệp, Giám đốc Giải pháp tự động hóa Công ty cổ phần TNtech Hồ Anh
Thắng đánh giá, nhu cầu ứng dụng 5G vào nhà máy, khu công nghiệp thông minh ở Việt Nam hiện rất lớn. TNtech hiện đang quản lý khoảng 550 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Chia sẻ của các doanh nghiệp này cho thấy, các công ty FDI từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhu cầu lớn đối với các giải pháp tự động hóa, kết nối phục vụ công tác quản lý, tối ưu vận hành nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, áp dụng 5G vào sản xuất cũng đang gặp thách thức lớn về chi phí triển khai hạ tầng, trong khi các doanh nghiệp yêu cầu chi phí đầu tư hợp lý, nếu không sẽ đội chi phí sản xuất lên cao. Đơn cử tại một khu công nghiệp cũ cần cải tạo lại, TNtech tính toán, việc “chạy” cáp quang cho toàn bộ hệ thống camera rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Vì vậy, tại một số điểm, công ty đã sử dụng 4G để truyền dữ liệu về trung tâm điều hành, nhưng phí thuê bao hàng tháng lại quá lớn, tính cả năm có thể bằng chi phí đầu tư cáp quang. Do vậy, các nhà mạng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
Liên quan câu chuyện giá cước, ông Nguyễn Tuấn Huy khẳng định 99% các nhà mạng trên thế giới không tăng cước khi triển khai 5G, chỉ tạo gói và dung lượng lớn hơn cho người tiêu dùng. Các nhà mạng Việt Nam cũng sẽ triển khai cách làm tương tự. Tuy nhiên, ông Huy đề cập một vấn đề lớn khác là việc thiếu các chuyên gia chuyển đổi số ngành dọc. Đơn cử, Việt Nam có rất nhiều chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin, nhưng khi làm chuyển đổi số cho cảng biển lại không thể tìm được người chuyên về lĩnh vực này. MobiFone đang trên hành trình chuyển từ nhà mạng truyền thống sang công ty công nghệ. Tổng công ty đang có nhiều cơ hội để phát triển ứng dụng 5G, nhưng phải cần đến các chuyên gia về ngành dọc, giúp nhà mạng và các doanh nghiệp kết nối được với nhau để xây dựng cảng thông minh, sân bay thông minh, nhà máy thông minh.
Trưởng ban Kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) Lê Bá Tân đánh giá cao sự cần thiết phải đồng hành giữa nhà mạng và doanh nghiệp trong đẩy mạnh ứng dụng 5G, đem lại lợi ích thiết thực cho cả 2 bên. Nếu chúng ta chỉ làm nhiều giải pháp nhỏ lẻ sẽ không tạo ra hiệu ứng chung, còn nếu tạo ra những nền tảng chung, có tính chất lan tỏa thì lại đòi hỏi nguồn lực con người và tri thức rất chuyên sâu. “Việt Nam có nhiều cảng biển, muốn sinh ra một nền tảng cung cấp dịch vụ cảng vụ thông minh để cung cấp cho tất cả các cảng biển trên toàn quốc, đòi hỏi chúng ta phải hiểu tri thức ngành, toàn bộ quy trình thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh; trên cơ sở đó sẽ chuẩn hóa, đưa ra tiêu chuẩn và làm nền tảng. Phải thúc đẩy các cảng biển cùng đầu tư với các nhà mạng thì mới làm được điều này”, ông Tân dẫn thí dụ.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã gợi mở một số nội dung cho các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội kinh doanh trong ngành công nghiệp thông minh như: Các nhà mạng viễn thông như Vinaphone, Viettel, MobiFone từ trước đến nay thường chỉ cung cấp dịch vụ kết nối, truy cập cho thị trường toàn quốc, công cộng; nhưng khi triển khai ứng dụng mạng 5G sẽ đặt ra yêu cầu cao về cá thể hóa dịch vụ cho từng đối tượng trong các thành phần kinh tế. Lúc này, nhà mạng không chỉ cần đẩy mạnh mối quan hệ với các cơ quan quản lý viễn thông mà còn với tất cả các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khác để nắm được chính sách liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Khi hiểu rõ các chính sách này, biết được nhu cầu thị trường, doanh nghiệp sẽ có giải pháp tốt hơn cho các dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, bắt buộc phải có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối (nhà mạng) với các doanh nghiệp giải pháp công nghệ, phần mềm mới có thể phát triển tốt trên các thị trường ngách.
Với việc 5G đã chính thức triển khai thương mại hóa, ông Nhã cũng mong rằng các nhà mạng, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tăng cường tìm hiểu rõ nhu cầu ứng dụng 5G ở từng ngành nghề, lĩnh vực. Ngoài ra, nếu đưa tự động hóa vào sản xuất thì bài toán cho số lượng người lao động dôi dư sẽ phải giải quyết như thế nào? Đào tạo nghề mới có thu nhập cao hơn cho người lao động sẽ góp phần giải quyết bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. Còn nếu chỉ nhìn từ góc độ cung cấp một giải pháp tốt hơn mà không nhìn đến tận cùng vấn đề là lao động dư thừa, chắc chắn một số doanh nghiệp sẽ ngại ứng dụng công nghệ mới
Văn Cường (Theo nhandan.vn)