Quyết tâm sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông, khơi thông huyết mạch thúc đẩy kinh tế phát triển, những năm qua, tỉnh đã đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường vành đai, tăng khả năng liên kết vùng với thành phố Hà Nội và các tỉnh thành trong khu vực, tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp của khu vực và cả nước.
Xuyên suốt quá trình phát triển, hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh được Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ ưu tiên nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, kết hợp xây dựng mới theo quy hoạch được duyệt.
Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển trong giai đoạn mới.
Nhờ đó, các tuyến đường được cứng hóa 100%; kết nối đồng bộ từ địa phương đến trung tâm của huyện, trung tâm của tỉnh; kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và các tỉnh, thành lân cận thông qua tuyến đường đối ngoại, các công trình cầu vượt sông như cầu Vĩnh Thịnh, cầu Vĩnh Phú… Giao thông thuận lợi đã góp phần thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tổng chiều dài đường bộ trên toàn tỉnh hiện nay là khoảng 7.918 km được chia làm 4 cấp quản lý (quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã). Tổng chiều dài các tuyến quốc lộ, cao tốc hơn 120 km (40,4 km cao tốc; 88 km quốc lộ); đường tỉnh và tương đương có tổng chiều dài 470 km; đường đô thị dài 309 km; đường huyện với chiều dài 693 km; đường cấp xã, giao thông nông thôn khoảng 6.406 km. Đây là những con số ấn tượng, thành quả cho những nỗ lực không ngừng của bộ máy chính quyền tỉnh trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158 ngày 6/2/2024, mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh cơ bản được kế thừa phương án phát triển giao thông theo quy hoạch được duyệt trước đó.
Các tuyến đường cao tốc, quốc lộ được tích hợp theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C.
Đường tỉnh và tương đương gồm 47 tuyến (bao gồm các tuyến đường hiện trạng và đường mở mới); trong đó có 5 tuyến dường vành đai; tổng chiều dài khoảng 1.132 km. Cho thấy, giai đoạn tới sẽ là giai đoạn quan trọng, thời cơ để tỉnh hoàn thiện quy hoạch giao thông, mở ra không gian phát triển mới, tiến tới đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Trong quy mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh theo quy hoạch tỉnh, đáng nhắc đến là các tuyến đặc biệt quan trọng gồm trục trung tâm là Bắc - Nam và trục Đông - Tây; với vai trò kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trục Bắc - Nam là tuyến đường có vai trò quan trọng kết nối Khu du lịch Tam Đảo với các trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối thành phố Hà Nội qua cầu Vân Phúc; góp phần mở rộng quỹ đất phát triển phía Nam và tăng cường kết nối với Thủ đô Hà Nội, tạo diều kiện thuận lợi cho phát triển vùng thương mại Vĩnh Tường - Yên Lạc nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
Tuyến đường có điểm đầu tại thị trấn Tam Đảo đi theo tuyến quốc lộ 2B đến quốc lộ 2, tiếp tục đi theo hướng tuyến quy hoạch mới qua huyện Yên Lạc đến cầu Vân Phúc kết nối thành phố Hà Nội. Tổng chiều dài tuyến khoảng 43 km
Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án đường trục Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn huyện Yên Lạc.
Trục Đông - Tây (đường song song đường sắt) là tuyến đường chạy song song hai bên đường sắt Yên Viên - Lào Cai, chiều dài mỗi bên khoảng 32,5 km; tuyến có điểm đầu kết nối với địa phận huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, điểm cuối kết nối với cầu Hạc Trì, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Việc đầu tư tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực về giao thông cho tuyến quốc lộ 2 đang bị quá tải, cũng như giảm ùn tắc giao thông cho các tuyến nội thị thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên; đồng thời trong tương lai sẽ là tuyến vận tải hành khách đô thị chính của tỉnh Vĩnh Phúc đến Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.
Có mặt trên công trường thi công dự án đường trục Bắc - Nam, đoạn từ km2+800 - km3+200, thuộc địa bàn huyện Yên Lạc, dù năm 2024 là năm đặc biệt khó khăn, quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc do giá đất chưa được ban hành, thiếu nguồn đất đắp phục vụ thi công, song nhà thầu dự án là Công ty cổ phần Kehin đã nỗ lực để bù đắp tiến độ, tranh thủ tối đa giai đoạn cuối năm để hoàn thiện nhiều hạng mục quan trọng.
Hiện các đoạn có mặt bằng, tiến độ thi công cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra. Nhiều đoạn đã hoàn thành hạng mục thảm mặt đường, lề đường, sẵn sàng kết nối với các đoạn còn lại.
Ngay ngày đầu tiên của năm 2025, công trình cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên được khánh thành, thông xe, đây là công trình quan trọng đối với tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, thành phố Vĩnh Yên nói riêng, đáp ứng yêu cầu bức thiết giải quyết ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm qua tại nút giao cắt giữa đường sắt Hà Nội - Lào Cai với đường Nguyễn Tất Thành.
Đồng thời là công trình kiến trúc tạo cảnh quan, điểm nhấn trên địa bàn thành phố, qua đó thêm phần khẳng định quyết tâm hoàn thiện hạ tầng giao thông của chính quyền tỉnh.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành các trục giao thông quan trọng như trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội để tăng cường kết nối trực tiếp giữa thành phố Vĩnh Yên với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận, tỉnh sẽ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, ban hành giá đất, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông.
Qua đó đảm bảo khép kín 5 tuyến đường vành đai cấp tỉnh tạo điều kiện kết nối các trung tâm công nghiệp, các khu du lịch, nghỉ dưỡng…; nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng đối với toàn bộ hệ thống đường tỉnh hiện hữu để tăng cường kết nối, đảm bảo an toàn giao thông và rút ngắn thời gian lưu thông từ trung tâm các huyện, thành phố đến trung tâm của tỉnh.
Bài, ảnh: Chu Kiều