Đón năm mới 2025, mỗi người dân Vĩnh Phúc đều dành những tâm nguyện tốt lành cho mình và cho sự phát triển của tỉnh nhà. Với người nông dân, họ ước nguyện một năm mới nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng đưa vào sản xuất, giúp mùa màng bội thu, thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh bước vào kỷ nguyên số.
Ngày đầu năm mới 2025, cánh đồng Bãi Cát, thôn Cẩm Vực, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) rộn ràng tiếng cười, bởi không khí thu hoạch cây vụ Đông được giá tạo động lực phấn khởi cho nông dân bước vào sản xuất vụ Xuân với khí thế mới, phấn khởi mới.
HTX Rau, hoa Tam Dương tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Bà Chu Thị Ly cho biết: Nhiều năm nay, cánh đồng Bãi Cát được người dân phủ kín bằng những loại cây trồng như khoai lang, khoai tây, ngô ngọt, ngô nếp. Vụ Đông năm nay, gia đình tôi trồng hơn 2 sào khoai lang, tuy năng suất có giảm so với năm trước nhưng giá bán 10 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập khá cho gia đình.
Hiện, gia đình đang chuẩn bị làm đất, gieo mạ sẵn sàng cho vụ sản xuất mới tạo khí thế thi đua lao động sản xuất ngay ngày đầu năm 2025 với mong muốn một năm mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc đủ đầy.
Ngay ngày đầu năm mới, gia đình bà Chu Thị Mơ, xã An Hòa (Tam Dương) đã xuất bán 100 con lợn thịt, với giá bán 69 nghìn đồng/kg, thu về 700 triệu đồng, trừ chi phí lãi 160 triệu đồng đã tạo tâm lý phấn khởi cho gia đình tiếp tục duy trì đàn, cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo bà Mơ, năm 2024, giá bán lợn hơi tương đối ổn định ở mức cao nên gia đình luôn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng (cách 1 ngày phun một lần); tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn theo quy định; lựa chọn thức ăn đảm bảo chất lượng, tránh các yếu tố tác động của môi trường đến đàn lợn. Nhờ vậy, đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt. Hy vọng từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ giá lợn ổn định để người chăn nuôi có cái Tết sung túc, đủ đầy hơn.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình cho thu nhập cao như trang trại chăn nuôi gà thịt của bà Ngô Thị Tâm, xã Liên Châu (Yên Lạc), với quy mô nuôi 33 nghìn con/lứa, lợi nhuận trung bình dạt từ 500 - 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 -15 lao động, thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng; hộ ông Ngô Mạnh Tưởng ở xã Đại Tự (Yên Lạc) chăn nuôi lợn, quy mô 30 lợn nái, 3 lợn đực giống, 100 lợn thịt, 100 lợn con theo mẹ, thu lãi 400 - 500 triệu đồng/năm; mô hình trồng nho của hộ ông Vũ Văn Yên, xã Yên Bình (Vĩnh Tường) quy mô 2 ha, doanh thu năm 2024 đạt 1,8 tỷ đồng; mô hình nuôi gà đẻ của hộ ông Triệu Anh Tuấn, xã Văn Quán (Lập Thạch), quy mô 15-17 nghìn con/năm, lợi nhuận từ 400 – 500 triệu đồng/năm...
Để đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, năm 2024, các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ xây dựng 31 mô hình trình diễn về sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển 24 mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ xây dựng 80 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao cấp tỉnh trở lên; hỗ trợ gần 900 hộ hội viên, nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử kết nối, tiêu thụ nông sản.
Xây dựng, duy trì 4 cửa hàng nông sản an toàn; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản trong, ngoài tỉnh; cung ứng gần 1 nghìn tấn phân bón trả chậm, 70 tấn giống, 460 tấn thức ăn chăn nuôi, 19 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 8 máy nông nghiệp giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất. Qua bình xét có gần 44 nghìn hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Xác định nông dân đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số, năm mới đòi hỏi nông dân cần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc để trở thành công dân số.
Đặc biệt, nông dân cần tham gia liên kết trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, hệ thống khuyến nông phục vụ sản xuất nhằm tạo thuận lợi sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh và quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp; khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
Đổi mới hình thức tổ chức, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm giúp nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn sàng thay đổi để hòa nhịp xu thế phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Mai Liên