Năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể; sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, KT-XH, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của huyện Sông Lô vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Ngay từ đầu năm, huyện Sông Lô đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH, nhờ vậy hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.
Nổi bật, tổng giá trị sản xuất ước đạt 9.728,9 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,32%; thu nhập bình quân đầu người đạt 63,5 triệu đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng (công nghiệp - xây dựng chiếm 51,33%, nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,62%, dịch vụ chiếm 28,05%); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,6%; hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Sản xuất công nghiệp ước đạt 2.728,6 tỷ đồng, tăng trưởng theo giá so sánh năm 2010 là 8,27%. Để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, UBND huyện đề xuất UBND tỉnh triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp để phục vụ cho các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất bê tông.
Huyện Sông Lô vượt lên khó khăn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2024. Ảnh: Chu Kiều
Thực hiện đầu tư hạ tầng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp Sông Lô I và Sông Lô II. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp Sông Lô I và Sông Lô II.
Các hoạt động kinh doanh dịch vụ - thương mại ổn định, không có biến động lớn về mức giá, sản phẩm đa dạng, chủng loại và mẫu mã phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. UBND huyện chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng...
Chủ động ứng phó với thiên tai, đặc biệt bão số 3 (Yagi), UBND huyện đã xây dựng kịch bản, phương án ứng phó; có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành, đoàn thể, giữa các cấp chính quyền địa phương, thu hút được sự chung tay, vào cuộc của toàn thể nhân dân.
Kịp thời di dời khẩn cấp người và tài sản của 764 hộ bị ngập lụt và nguy cơ sạt lở, cùng với vận động và hỗ trợ lực lượng, phương tiện giúp các hộ dân có nguy cơ cao bị ngập lụt di dời người, tài sản đến nơi an toàn.
Sau khi cơn bão đi qua và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão, trên địa bàn huyện ước thiệt hại gần 82 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 được thực hiện nhanh chóng, khẩn trương, quyết liệt và kịp thời. Qua đó góp phần giúp nhân dân khắc phục khó khăn, tập trung phát triển sản xuất.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 9.609 ha, vượt 2,2% kế hoạch, trong đó, diện tích cây lúa ước đạt 5.078 ha, vượt 2,59% kế hoạch. Năng suất lúa ước đạt 53,78 tạ/ha, sản lượng lúa ước đạt 27.306,89 tấn, sản lượng cây lương thực có hạt ước đạt 35.794 tấn.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Năm học 2023-2024, có 78/134 học sinh đạt giải, chiếm 58,21%, xếp thứ 4/9 huyện, thành phố; năm học 2024-2025, kết quả thi đỗ vào 10 THPT đạt 74,60%, xếp thứ 5/9 huyện, thành phố (tăng 2 bậc so với cùng kỳ), trong đó có 38 học sinh (tăng 27 học sinh so với cùng kỳ) đỗ vào các trường chuyên.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường và triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo ổn định, đoàn kết, thống nhất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên mọi lĩnh vực kịp thời, toàn diện, sâu sát với tình hình thực tế.
Đặc biệt, năm 2024 còn là thời điểm đánh dấu sự bứt phá để nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới (NTM). Huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2024 và giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phụ trách tiêu chí, UBND các xã tập trung triển khai hiệu quả chương trình.
Qua rà soát, có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí (Hải Lựu, Nhạo Sơn, Yên Thạch); 2 xã đạt 17/19 tiêu chí (Bạch Lưu, Cao Phong); 7 xã đạt 16/19 tiêu chí (Đôn Nhân, Đồng Thịnh, Đức Bác, Nhân Đạo, Quang Yên, Tân Lập, Phương Khoan); 2 xã đạt 15/19 tiêu chí (Đồng Quế, Tứ Yên) và 2 xã đạt 14/19 tiêu chí (Lãng Công, Như Thụy). Huyện đã hoàn thành 261/304 tiêu chí thành phần, chiếm 86%.
Về xây dựng NTM nâng cao, xã Yên Thạch đạt 17/19 tiêu chí; xã NTM kiểu mẫu Cao Phong đạt 3/4 yêu cầu; thôn kiểu mẫu Đoàn Kết, xã Yên Thạch đạt 9/10 tiêu chí; thôn thông minh, xã Cao Phong đăng ký 13/13 thôn xây dựng, tất cả 13/13 thôn đạt 5/5 tiêu chí. UBND xã đang hướng dẫn các thôn hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận.
Xây dựng huyện NTM, đến nay huyện Sông Lô đã cơ bản đạt 6/9 tiêu chí, còn 3/9 tiêu chí chưa đạt (y tế - văn hóa - giáo dục; môi trường; chất lượng môi trường sống).
Những kết quả đạt được năm 2024 đã và đang tạo điểm tựa vững chắc để huyện Sông Lô tiếp tục phát triển, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025; năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH những năm tiếp theo.
Do đó, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sông Lô phải nỗ lực, phấn đấu cao hơn, quyết liệt hơn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Cụ thể, phát triển kinh tế đồng bộ, toàn diện gắn với phát triển bền vững; tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án; giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tập trung chỉ đạo các đơn vị hành chính được sáp nhập đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả...
Văn Cường