Sáng 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ và các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt, Bùi Ngọc Lam chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương.
Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Mạnh Thắng và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Hà
Sau 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, với sự chỉ đạo toàn diện, sâu sát, quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo, thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá, khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng theo hướng chặt chẽ, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, góp phần ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Trong 5 năm, các bộ, ngành đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 1.600 nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị; các ngành, địa phương ban hành gần 71.800 văn bản; sửa đổi, bổ sung hơn 3.600 văn bản và bãi bỏ 833 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội về phòng, chống tham nhũng, góp phần tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, minh bạch, hạn chế phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Từ năm 2019 đến nay, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận hơn 1,1 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó, có gần 945.000 đơn thư đủ điều kiện xử lý. Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết gần 94.600 vụ, việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi vào ngân sách nhà nước hơn 78.400 tỷ đồng, 226ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 1.199 tổ chức, 3.225 cá nhân; kiến nghị xử lý hơn 2.500 người.
Toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 972.000 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, chuyên ngành; tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thanh tra thực hiện 34.589 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra.
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế gần 658.400 tỷ đồng, hơn 28.300ha đất; kiến nghị thu hồi gần 559.000 tỷ đồng và hơn 5.500ha đất, góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Tại hội nghị, các tham luận tập trung phân tích, làm rõ nội dung các nhóm chuyên đề: Chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc kiểm soát tài sản, thu nhập và phát hiện, xử lý tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật góp phần phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới; công tác xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công; việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số nhằm phòng ngừa tham nhũng; vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng...
Để duy trì, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương cần làm tốt các nhiệm vụ, giải pháp: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, quán triệt và thực hiện đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật là vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích tham gia giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Tổ chức thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Các cơ quan trong khối nội chính cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng, đảm bảo tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí, truyền thông, nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng.
Với những kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Thanh tra Chính phủ nghiêm túc tiếp thu, những nội dung thuộc thẩm quyền Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu, xem xét để thực hiện; những nội dung không thuộc thẩm quyền, Thanh tra Chính phủ sẽ tổng hợp trình Chính phủ xem xét.
Hoàng Nga