Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã đề ra nhiều giải pháp phát triển mạng lưới hoạt động, ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số, cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm chi phí lớn cho xã hội và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia đồng bộ.
Ngoài Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương, mạng lưới tổ chức tín dụng trong tỉnh có 30 chi nhánh ngân hàng cấp I (tăng 1 chi nhánh so với năm 2023) và 31 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
Phòng giao dịch, điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng được phân bổ đến các xã, khu vực nông thôn, vùng xa, vùng dân tộc trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu về vốn, nhu cầu thanh toán của người dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Agribank đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hướng đến ngân hàng số, thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Ảnh: Đức Chung
Ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Công tác chuyển đổi số được đặc biệt quan tâm, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tích cực triển khai, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó tập trung triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng. Triển khai các giải pháp ứng dụng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc đánh giá khách hàng. Đẩy mạnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ đã được tích hợp.
Cùng với đó, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử đối với dịch vụ công, thanh toán lệ phí, bảo hiểm xã hội, chi trả an sinh xã hội. Thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo, hướng dẫn, cảnh báo tới khách hàng về những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm công nghệ nhằm khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân và nhận diện, ngăn ngừa các rủi ro gian lận, lừa đảo và các hành vi bị cấm trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán.
Đến nay, đã có 3,8 triệu tài khoản thanh toán, gần 40 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ là các cơ sở kinh doanh, siêu thị, chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học trong toàn tỉnh. Số lượng thẻ phát hành đạt khoảng 78 nghìn thẻ, với dư nợ đạt khoảng 770 tỷ đồng.
Hoạt động thanh toán kinh doanh thương mại trên địa bàn tiếp tục đạt được kết quả tích cực, trong năm giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 92,7% về số lượng và 57,8% về giá trị so với năm 2023; qua kênh Internet tăng 60,8% về số lượng và 30,4% về giá trị; qua phương thức QR code tăng hơn 700% về số lượng và hơn 1,3 nghìn % về giá trị.
Riêng giao dịch qua ATM giảm hơn 10% về số lượng, giá trị so với cùng kỳ đã cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử.
Thực hiện Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai, chủ động tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng xác thực sinh trắc học từ nguồn dữ liệu dân cư bằng nhiều hình thức, đảm bảo 100% tài khoản cá nhân đều được đăng ký từ ngày 1/1/2025.
Qua đó, các tổ chức tín dụng đã nhắn tin thông báo tới từng khách hàng, cử cán bộ đến trực tiếp cơ quan, đơn vị để hướng dẫn cài đặt; hướng dẫn tại quầy cho khách hàng đến giao dịch hoặc tuyên truyền bằng video, hình ảnh qua website nội bộ, qua mạng xã hội để khách hàng không bị gián đoạn khi sử dụng dịch vụ. Đồng thời giúp khách hàng hiểu, nắm rõ về cách thức bảo mật, an toàn khi thanh toán trên môi trường điện tử.
Việc thực hiện quy định về sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng trực tuyến đã làm giảm đáng kể số tài khoản lừa đảo, giảm số vụ việc lừa đảo khách hàng.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục chủ động đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, bảo đảm an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán.
Tiếp tục triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục; thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng xa.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán.
Tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hoạt động an toàn, hiệu quả; mở rộng kết nối với các ngành, lĩnh vực để mở rộng hệ sinh thái số...
Thành An