Bằng cách nào đó, Liu Chuanyi ngã xuống một cái giếng bị bỏ hoang ở vùng ngoại ô của một ngôi làng nhỏ nằm tại biên giới Thái Lan - Myanmar và kẹt ở đó trong 3 ngày trước khi được cứu.
Người đàn ông bị kẹt 3 ngày dưới giếng trước khi được cứu.
Một người đàn ông 22 tuổi đã mắc kẹt 3 ngày dưới đáy một cái giếng sâu 12m, chỉ vì người đi ngang qua hiểu nhầm tiếng anh khóc lóc cầu cứu thành tiếng… hồn ma.
Người đàn ông lâm vào tình cảnh trớ trêu ở trên đó có tên Liu Chuanyi, đến từ Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ tại sao anh này lại đi lạc tới khu vực xảy ra sự việc - một vùng đất nằm sâu trong rừng, thuộc khu vực biên giới giữa Thái Lan và Myanmar.
Bằng cách nào đó, anh đã bị ngã xuống một cái giếng bị bỏ hoang ở vùng ngoại ô của một ngôi làng nhỏ. Nhà chức trách tin rằng Chuanyi đang tìm cách đi xuyên rừng thì ngã xuống cái giếng. Cú ngã khiến anh bị một số thương tích khá nghiêm trọng như gãy cổ tay và chấn thương vùng đầu.
Ban đầu, Chuanyi kêu cứu to nhất có thể. Nhưng hàng giờ trôi qua, anh vẫn không được cứu. Chính lúc đó anh nhận ra rằng việc kêu gào liên tục sẽ chỉ khiến mình bị kiệt sức và giảm thiểu khả năng sốt sót.
Suy nghĩ sáng suốt này có lẽ đã cứu mạng Chuanyi vì suốt 3 ngày 3 đêm tiếp theo, anh phải sống dưới đáy giếng mà không có nước uống hay thức ăn. Nếu như không tiết kiệm năng lượng, có lẽ anh cũng không thể trụ đến thời điểm được cứu.
Để dự trữ năng lượng, Chuanyi lên kế hoạch kêu cứu mỗi giờ một lần. Nhưng dù vậy, vẫn không có ai đến cứu anh. Đã có lúc chàng trai trẻ này phải bật khóc nức nở vì bất lực.
Có lẽ Chuanyi không thể ngờ rằng, việc không ai tới cứu chẳng phải bởi không có người nghe thấy, mà vì họ tưởng đó là tiếng khóc than của hồn ma. Họ sợ nếu tới gần miệng giếng sẽ bị “ác quỷ” dưới giếng tấn công.
May mắn cho Chuanyi, có người đã báo cảnh sát về những âm thanh kỳ lạ phát ra từ khu rừng. Khi điều tra khu vực này, cảnh sát đã tình cờ phát hiện ra cái giếng mà anh rơi xuống.
Cuộc giải cứu kéo dài chỉ khoảng 30 phút, nhưng cơ thể gầy gò của Chuanyi cho thấy anh đã phải chịu đựng khổ sở nhiều như thế nào suốt 3 ngày đêm không có thức ăn hay nước uống.
Được biết những trường hợp bị ngã xuống giếng mà vẫn sống sót như Liu Chuanyi không phải là điều quá bất ngờ, đặc biệt là ở Trung Quốc. Một trường hợp tương tự đã xảy ra vào năm 2013 tại tỉnh Hà Nam của nước này, khi bà Su Qixiu, 38 tuổi, sống sót sau 15 ngày mắc kẹt dưới đáy một cái giếng bỏ hoang sâu 4 mét. Trong thời gian này, bà Quixiu duy trì sự sống bằng cách ăn ngô sống và uống nước mưa.
Gia đình và người dân địa phương đã nỗ lực tìm kiếm Quixiu, nhưng chỉ khi nghe thấy tiếng kêu cứu yếu ớt từ giếng, họ mới phát hiện ra vị trí của bà. Sau khi được giải cứu, bà Su được đưa đến bệnh viện và hồi phục sức khỏe.
Năm 2016, cụ bà Wang Huanzhen, 63 tuổi, tại tỉnh Tứ Xuyên, cũng sống sót một cách kỳ diệu sau 9 ngày mắc kẹt dưới giếng khô sâu 10 mét. Bà Huanzhen duy trì sự sống bằng cách nhai vỏ cây và uống nước tiểu của mình. Bà cho biết đã học được kỹ năng sinh tồn này trong một khóa huấn luyện ứng phó thiên tai, sau trận động đất lớn xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2008.
Những câu chuyện này cho thấy khả năng sinh tồn phi thường của con người trong những tình huống nguy cấp, cũng như tầm quan trọng của kiến thức và kỹ năng sinh tồn.
Vậy nếu bản thân cũng rơi vào tình huống tương tự, chúng ta cần phải làm gì?
Để sống sót trong tình huống nguy cấp, như mắc kẹt dưới giếng, việc giữ bình tĩnh và đánh giá tình hình là ưu tiên hàng đầu, bao gồm kiểm tra chấn thương và môi trường xung quanh. Tiết kiệm năng lượng bằng cách hạn chế di chuyển không cần thiết và kêu cứu có chiến lược vào thời điểm thích hợp.
Nước là yếu tố sống còn, hãy tìm cách thu thập nước mưa hoặc tận dụng nguồn nước tự nhiên, đồng thời duy trì thân nhiệt để tránh bị hạ nhiệt trong môi trường ẩm thấp.
Thức ăn ít quan trọng bằng nước, nhưng nếu tình huống nguy cấp kéo dài, có thể cân nhắc nhai lá cây hoặc ăn côn trùng an toàn. Hãy tạo tín hiệu cầu cứu bằng âm thanh, ánh sáng hoặc để lại thông tin trên bề mặt nếu có thể.
Cuối cùng, ý chí sống là yếu tố quan trọng nhất, cần duy trì hy vọng và tư duy tích cực trong khi chờ được giải cứu.
(Theo vietnamplus.vn)