Ngoài phát triển công nghiệp thì sự vươn lên mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại, dịch vụ những năm qua đã trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nổi bật là sự gia tăng về số lượng và chất lượng của các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các sàn thương mại điện tử.
Thương mại, dịch vụ được tỉnh xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế. Theo đó, tỉnh đã tập trung đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại cùng với chợ truyền thống.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 chợ đầu mối, 81 chợ truyền thống, 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và mạng lưới cửa hàng tự chọn rải khắp từ thành thị đến nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc.
Với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp bán lẻ, hạ tầng thương mại, dịch vụ của tỉnh được đầu tư ngày một hiện đại. (Trong ảnh: Hiệu sách Hoàng Long tiên phong xây dựng môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, mang lại tiện ích cho khách hàng). Ảnh: Chu Kiều
Với hạ tầng thương mại điện tử phát triển mạnh, việc mua sắm trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... đã trở thành xu hướng và phổ biến đối với nhiều người dân.
Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2024 trên địa bàn ước đạt hơn 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,27% so với tháng 11/2023.
Doanh thu cả 4 thành phần gồm hoạt động bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; dịch vụ khác đều tăng so với năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 73 nghìn tỷ đồng, tăng 10,77% so với năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 60 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt hơn 6,2 nghìn tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành đạt hơn 496 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác đạt hơn 6,7 nghìn tỷ đồng.
Với nhiều khu mua sắm và dịch vụ hiện đại trên địa bàn đã mang đến không gian kinh doanh nhộn nhịp, sôi động, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, nâng cao mức sống của người dân.
Việc tập trung xây dựng, phát triển những khu mua sắm hiện đại đã tạo nên cú hích để lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh hội nhập với xu thế phát triển chung hiện nay.
Ngoài ra, lĩnh vực du lịch của tỉnh cũng đạt được những thành quả quan trọng. Những địa danh nổi bật như thị trấn Tam Đảo, khu du lịch Đại Lải thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, góp phần phát triển các lĩnh vực phụ trợ như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận tải.
Mới đây, Tổ chức giải thưởng thế giới World Travel Awards tiếp tục công nhận Tam Đảo là "Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới năm 2024".
Trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu, phương hướng đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ.
Trong đó, tập trung phát triển các ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả, bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao phục vụ phát triển KT-XH và trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng “Dịch vụ chất lượng - Sản phẩm khác biệt - Hiệu quả bền vững”. Vừa phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo dựng một phong cách riêng với các loại hình mới, độc đáo, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; đầu tư khai thác hiệu quả các sân golf, dịch vụ thể thao, giải trí.
Song song với đó, phát triển thương mại, dịch vụ gắn kết chặt chẽ với sản xuất. Phát triển các đầu mối cung cấp hàng hóa, bán buôn, bán lẻ của cả vùng tại Thổ Tang, Tề Lỗ, Trung Nguyên; khuyến khích xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt với thị trường vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tạo điều kiện và khuyến khích phát triển hệ thống phân phối hiện đại; phát triển mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị và hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics hiện đại, trở thành một trong các ngành dịch vụ chủ lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nội tỉnh, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Tập trung phát triển dịch vụ thông tin và truyền thông trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ.
Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ đem lại từ kinh tế đô thị theo hướng đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh…
Trước mắt, tỉnh đang tập trung xây dựng mạng lưới bán lẻ hiện đại, thu hút các phân khúc có giá trị cao để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân trong tỉnh, du khách trong và ngoài nước. Phát huy tốt những lợi thế sẵn có, đẩy mạnh cải cách và đầu tư, phấn đấu trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ hàng đầu khu vực.
Thành An