Tết Nguyên đán đang đến gần, đây cũng là thời điểm nhiều thanh, thiếu niên, học sinh tìm cách mua nguyên liệu, tiền chất để tự chế pháo nổ. Việc làm này không chỉ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tai nạn nghiêm trọng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Để ngăn chặn tình trạng này, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, lực lượng chức năng, gia đình, nhà trường đã và đang tăng cường triển khai nhiều giải pháp.
Công an xã Thanh Trù (Vĩnh Yên) tuyên truyền, cảnh báo những hành vi vi phạm pháp luật về pháo tại các trường học trên địa bàn. Ảnh: Dương Hà
Thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển, chế tạo pháo nổ trái phép. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có những diễn biến phức tạp, trong đó, nổi lên là tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên tự chế pháo nổ.
Theo Công an thành phố Vĩnh Yên, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện 14 vụ liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, thu giữ gần 90 kg pháo nổ các loại, trong đó, nhiều vụ thanh, thiếu niên, học sinh tự chế pháo nổ để bán và sử dụng trái phép.
Vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Công an thành phố Vĩnh Yên đã phát hiện Phùng Công Thắng, sinh năm 2009 và Nguyễn Đức Huy ở phường Khai Quang có hành vi mua, bán 10 quả pháo nổ tự chế, có khối lượng 0,82g.
Tại cơ quan công an, Thắng khai nhận số pháo trên mang đi để bán cho Huy. Ngoài ra, Thắng còn cất giữ khoảng 2,76 kg thuốc pháo và giấy các loại để chế tạo pháo tại phòng ngủ của gia đình.
Cơ quan công an và UBND thành phố Vĩnh Yên đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và bàn giao các đối tượng cho gia đình, địa phương quản lý, giáo dục.
Qua các vụ chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép trong thanh, thiếu niên, học sinh mà lực lượng Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ cho thấy, do tò mò, muốn có pháo đốt trong dịp Tết Nguyên đán nên học sinh đã lên mạng internet mua các nguyên liệu và học cách chế tạo pháo. Để tránh bị phát hiện, các em thường giấu gia đình, thầy cô, người thân để tự làm một mình hoặc rủ bạn cùng làm ở những nơi vắng vẻ hay làm tại nhà khi bố, mẹ đi vắng.
Việc tự chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, dễ gây nên những hiểm họa khôn lường. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ, nhất là pháo tự chế. Mỗi vụ tai nạn không chỉ gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất, mà còn để lại hậu quả nặng nề về tâm lý, tài chính cho người bệnh và gia đình.
Vào khoảng 21 giờ 30 phút ngày 23/11/2024, tại sân vận động Bảo Đức, tổ dân phố Trại Trong, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến pháo tự chế. Nạn nhân là em N.N.T.K (13 tuổi) và N.N.T.A (14 tuổi), cư trú tại thị trấn Đạo Đức bị thương rất nặng và được người dân đưa đi cấp cứu. Vì tò mò về pháo nổ nên 2 anh em đã đặt mua nguyên, vật liệu, học cách tự chế pháo trên mạng rồi làm theo. Khi đang làm, pháo phát nổ gây thương tích cho cả hai.
Tự chế pháo nổ là hành vi ẩn họa khôn lường, dễ dẫn đến cháy, nổ và có thể gây tử vong hoặc thương tật suốt đời cho người sử dụng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và người vi phạm cũng sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm. Đối với học sinh, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ, lý lịch sau này.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng này, ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất học sinh, thanh, thiếu niên trên địa bàn về hiểm họa của hành vi tự chế pháo nổ.
Đồng thời tập trung đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo, kiên quyết không để xảy ra các vụ cháy, nổ do pháo tự chế gây ra, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an và ngành chức năng, các gia đình cần quan tâm giáo dục, quản lý con em mình, nhất là trong việc kiểm tra, phát hiện, khuyên bảo các em tránh xa hành vi vi phạm pháp luật về pháo. Nhà trường cần quan tâm, tăng cường quản lý học sinh, nắm bắt các trường hợp có những biểu hiện vi phạm để có biện pháp giáo dục, răn đe kịp thời.
Thanh Huyền