Văn hóa Đông Sơn có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử - văn hóa của dân tộc, là nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ, văn minh Đại Việt và tiếp tục tỏa sáng qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Trên mảnh đất Vĩnh Phúc, các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật nhiều di vật của văn hóa Đông Sơn, minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn minh Việt cổ ở lưu vực sông Hồng.
Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 đến 2.000 năm. Nền văn hóa Đông Sơn là cơ sở hình thành Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc - Nhà nước đầu tiên thời đại các vua Hùng.
Nhiều hiện vật thời kỳ văn hóa Đông Sơn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Kim Ly
Vĩnh Phúc là vùng đất có vị thế đặc biệt trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trên vùng đất này, các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật nhiều di tích có niên đại từ thời tiền Đông Sơn cho tới Đông Sơn.
Dấu tích văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc là các tầng văn hóa, nhiều khi nằm chồng lên các tầng văn hóa tiền Đông Sơn, có khi là tầng văn hóa Đông Sơn độc lập. Vĩnh Phúc có 12 di tích văn hóa Đông Sơn, tiêu biểu như Đồng Ba Bậc, Gò Trâm Dài, Quang Minh, Đạo Trù…
Trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, văn hóa Đông Sơn đã để lại một kho tàng hiện vật đồ sộ. Hiện vật văn hóa Đông Sơn gồm nhiều chất liệu khác nhau như đá, đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, xương...
Trong đó, đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn là nghệ thuật đúc đồng. Thời kỳ này, người Việt đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau. Kỹ thuật luyện kim và đúc đồng đã đạt đến trình độ hoàn mỹ.
Đồ đồng đúc có mặt trong toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của người Đông Sơn. Trống đồng là loại di vật điển hình nhất của văn hóa Đông Sơn.
Trong quá trình hình thành và sử dụng, trống mang nhiều chức năng khác nhau, là một nhạc khí dùng trong các cuộc hội hè, tế lễ như cầu mưa, cầu mùa, việc cưới, việc tang…
Âm thanh của trống rất vang và rền như tiếng sấm. Vì thế, cư dân Đông Sơn thường dùng trống trong lễ hội cầu mưa với ước vọng cơn mưa rào sẽ giúp cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.
Ngoài ra, trống đồng còn được dùng làm hiệu lệnh, là biểu tượng của quyền lực. Khi đánh trận, tiếng trống đồng rộn rã, thúc giục binh sĩ xông lên tiêu diệt giặc, khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Vĩnh Phúc có 2 chiếc trống đồng Đông Sơn là trống Minh Quang và trống Đạo Trù. Trống Minh Quang được phát hiện năm 1999, trống gồm 3 phần tang, thân và chân cân đối.
Nhìn tổng thể trống tương đối thấp, thuộc dạng trống lùn. Trên rìa mặt trống có 4 tượng cóc hiện đã bị gãy, chỉ còn vết dấu chân, giữa tang và thân có 2 đôi quai. Hoa văn trang trí đơn giản, thô và to, chủ yếu là văn vòng tròn kép đồng tâm, văn răng cưa và văn các đoạn xiên song song.
Trống Đạo Trù được phát hiện đầu năm 2.000 tại xã Đạo Trù (Tam Đảo). Trống có dáng thấp lùn với tang phình, thân hình nón cụt. Trống có 2 đôi quai và trên rìa mặt trống có 4 tượng cóc đứng ngược chiều kim đồng hồ.
Mặt, tang, thân và chân trống đều được trang trí hoa văn. Giữa mặt trống là hình tượng mặt trời với 12 tia lan toả ra xung quanh. Bao quanh mặt trời có 11 vành hoa văn, tượng cóc và hình chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ.
Văn hóa Đông Sơn là văn minh của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, do đó, người Đông Sơn có cả một bộ nông cụ chuyên dụng gồm các loại rìu, cuốc, xẻng, mai, thuổng, lưỡi cày, lưỡi hái, liềm…giúp việc trồng trọt trở nên thuận tiện, dễ dàng, cho năng suất cao hơn.
Học sinh Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên) tham quan không gian trưng bày văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Kim Ly
Các nhà khảo cổ cũng khai quật được nhiều vũ khí như giáo, dao găm, kiếm ngắn, rìu chiến, lao, mũi tên, lẫy nỏ. Điều này cho thấy trong văn hóa Đông Sơn đã phát sinh chiến tranh và xung đột xã hội.
Ngoài ra, còn có nhiều đồ trang sức bằng đồng như vòng cổ, vòng tay, vòng ống chân, khuyên tai, nhẫn, trâm cài tóc, khóa thắt lưng…; các loại nhạc cụ như chuông đồng, lục lạc…
Hướng tới kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924 - 2024), chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), mới đây, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Hội Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Vĩnh Phúc tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc”.
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Quốc Minh cho biết: “Trưng bày giới thiệu hơn 600 hiện vật quý hiếm với nhiều loại hình và chất liệu phong phú bao gồm các hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn và các sưu tập cổ vật từ thời vua Hùng dựng nước tới thế kỷ XIX.
Các hiện vật là những tư liệu sống động, được trưng bày khoa học, thẩm mỹ, sinh động, phản ánh sự hình thành và phát triển của nền văn minh Việt cổ trên đất Vĩnh Phúc, sự kế thừa và lan tỏa văn hóa qua tinh hoa cổ vật.
Qua đó giúp các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc hơn về lịch sử và những di sản văn hóa quý báu trên quê hương mình, nơi được coi là cái nôi hình thành văn hóa Việt, góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ”.
Bạch Nga