Trước tình hình thời tiết hanh khô kéo dài, gây nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức độ cao, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Trong đó, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác PCCCR; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp PCCCR.
Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 22/11, Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên nhận được thông tin cháy rừng tại khu vực đèo Bụt, thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh. Ngay sau đó, lực lượng kiểm lâm thành phố đã xác minh thông tin, báo cáo UBND thành phố Phúc Yên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo, phối hợp với lực lượng quân đội và công an triển khai các biện pháp chữa cháy, không để lửa lan rộng.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Ngọc Thanh (Phúc Yên). Ảnh: Chu Kiều
Do thời tiết hanh khô, gió thổi mạnh, vị trí cháy có độ dốc cao… mặc dù đã huy động lực lượng chữa cháy gần 370 người, trang bị đầy đủ phương tiện song đám cháy vẫn lan rộng. Đến 8 giờ sáng hôm sau, đám cháy mới được khống chế và dập tắt hoàn toàn.
Theo thống kê sơ bộ, vụ cháy đã gây thiệt hại khoảng 16 ha rừng, trong đó có 14 ha rừng phòng hộ, 2 ha rừng sản xuất.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên Đào Tuấn Đạt cho biết: “Nguyên nhân cháy rừng tại thôn Thanh Cao bước đầu được xác định lửa xuất phát từ phía rừng xã Thành Công, thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên). Hạt Kiểm lâm thành phố đang phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các cấp cùng chủ rừng tiếp tục giám sát, không để cháy bùng phát trở lại; xác minh, làm rõ nguyên nhân cháy rừng, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định”.
Thành phố Phúc Yên hiện có khoảng 2.230 ha rừng có nguy cơ cháy cao, phần lớn tập trung tại xã Ngọc Thanh. Trong tháng 11 vừa qua, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra một số điểm rừng phát lửa, tuy mức độ thiệt hại không nhiều nhưng cho thấy nguy cơ cháy rừng mùa hanh khô là rất lớn.
Vụ việc cháy rừng tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh cho thấy “lỗ hổng” trong công tác PCCCR, bảo vệ rừng, đặc biệt là trách nhiệm của chủ rừng trong việc quản lý, giám sát diện tích rừng được giao.
Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là hơn 36.900 ha, trong đó, diện tích rừng đặc dụng gần 15.800 ha, rừng sản xuất gần 13.500 ha, rừng phòng hộ hơn 4.150 ha.
Để chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp PCCCR, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các Hạt kiểm lâm thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm điểm cảnh báo cháy rừng trên phần mềm FMS Vĩnh Phúc, đồng thời cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện truyền thông.
Khi cấp độ cháy rừng ở mức độ IV trở lên, Hạt Kiểm lâm tại các địa phương có trách nhiệm yêu cầu chủ rừng tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực rừng, phát dọn, xử lý thực bì…; đôn đốc, hướng dẫn chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR, bố trí lực lượng thường trực PCCCR kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
Phối hợp với chính quyền các cấp, lực lượng chức năng và người dân sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại chỗ xử lý cháy rừng ngay từ giờ đầu, không để cháy lớn, kéo dài, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng thời tiết hanh khô có thể tiếp tục kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn ở mức cao.
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa số vụ cháy rừng, đảm bảo hiệu quả công tác PCCCR, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác PCCCR.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có rừng triển khai một số nhiệm vụ cấp bách gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCCR; thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ, 5 sẵn sàng”; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định PCCCR, bảo vệ rừng.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, kịp thời cảnh báo cháy rừng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác PCCCR, bảo vệ rừng tại các địa phương, kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, UBND tỉnh khi xảy ra cháy lớn, tham mưu phương án chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Đối với chủ rừng, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về PCCCR, bảo vệ rừng; chủ động kiểm tra, canh gác lửa rừng trong thời gian cao điểm xảy ra cháy rừng, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra cháy rừng thuộc phạm vi, địa bàn quản lý…
Hoàng Sơn