Để đạt các mục tiêu cho hạt tiêu Việt Nam mà Nhóm Đối tác công - tư về hồ tiêu và gia vị đã đề ra, phải sớm áp dụng IPHM trong hồ tiêu.
Nông dân sơ chế hạt tiêu sau thu hoạch.
Năm nay là một năm xuất khẩu thành công của ngành hồ tiêu. Tại hội nghị thường niên Nhóm Đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu và gia vị 2024 diễn ra mới đây, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu hạt tiêu đã đạt 1,1 tỷ USD, tăng 48% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tính cả các loại gia vị khác như quế, ớt, gừng nghệ, hồi…, xuất khẩu gia vị của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đã đạt gần 1,5 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia nhận định, hồ tiêu đang trong chu kỳ tăng giá mới, vì vậy, xuất khẩu hạt tiêu dự kiến sẽ còn thuận lợi trong thời gian tới. Tuy nhiên, hồ tiêu Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Trước hết, theo bà Hoàng Thị Liên, biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết ngày càng khó lường đang là thách thức lớn với nông dân vì làm tăng chi phí đầu tư vào tưới tiêu và phòng ngừa dịch bệnh để tăng năng suất. Biến đổi khí hậu còn góp phần làm trầm trọng thêm tình hình sâu bệnh trên cây hồ tiêu (bệnh chết nhanh, tuyến trùng, bệnh héo lá…).
Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các cây trồng khác như sầu riêng, cà phê… cũng đang làm giảm diện tích hồ tiêu, qua đó ảnh hưởng đến sản lượng. Trong khi đó, chi phí nhân công tăng cao và tình trạng thiếu hụt lao động trong mùa cao điểm đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hoạch tiêu.
Ngoài ra, các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tiêu chuẩn môi trường tại các thị trường lớn đã tạo áp lực cho ngành hàng hồ tiêu trong việc điều chỉnh phương pháp canh tác và quy trình sản xuất.
Để vượt qua những thách thức ấy, ngành hồ tiêu không thể không đi vào phát triển bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển bền vững cây hồ tiêu là áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và cao hơn nữa là áp dụng quy trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
Những năm qua, đã có những dự án phát triển bền vững cho cây hồ tiêu, trong đó có thể kể tới dự án của Rainforest Alliance (RA) về áp dụng IPM trên cây hồ tiêu, cà phê và chè.
Bà Liên cho biết, dự án này đã có những kết quả khả quan về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khi giúp nông dân nâng cao hiểu biết, nhận thức về sử dụng thuốc BVTV, qua đó giảm đáng kể lượng thuốc BVTV trong suốt quá trình canh tác.
Cụ thể, trên cây hồ tiêu giảm từ 1,6kg thuốc BVTV xuống còn 0,5kg/ha; cây cà phê giảm từ 1,69kg xuống 1,16kg/ha; trên cây chè giảm từ 2,21kg xuống 0,4kg/ha. Không những thế, nông dân còn hiểu được nếu chăm sóc đúng cách sẽ giúp cây hồ tiêu khỏe hơn, qua đó tăng được năng suất và kéo dài tuổi thọ vườn cây.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng đánh giá cao dự án của RA trong việc tổ chức các lớp tập huấn ToT và nhất là FFS (lớp học hiện trường) về IPM trên hồ tiêu, cà phê và chè. Các lớp tập huấn này giúp cho nông dân và doanh nghiệp hiểu quy trình IPM là như thế nào. Đặc biệt, không dừng ở đó, RA đã đưa việc áp dụng IPM thành một tiêu chí bắt buộc để tổ chức này cấp chứng nhận RA.
Hợp tác công - tư (PPP) về hồ tiêu và gia vị đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2025, 70% hồ tiêu sản xuất ở Việt Nam đạt yêu cầu MRL (giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV); 25% nông dân trồng hồ tiêu tăng được 20% thu nhập; 25 nghìn nông dân được tập huấn về sản xuất an toàn, bền vững và tiếp cận dịch vụ nông nghiệp; 75 nghìn tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững.
Để đạt được những mục tiêu này, ông Nguyễn Quý Dương cho rằng, PPP về hồ tiêu và gia vị phải tiếp tục phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp ban hành được sổ tay hướng dẫn áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây hồ tiêu trong năm 2025. Bên cạnh đó hỗ trợ xây dựng chương trình tập huấn IPHM cho nông dân, HTX; hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng IPHM trên cây hồ tiêu; xây dựng video truyền thông IPHM về cây hồ tiêu...
Hương Hoài (Theo nongnghiep.vn)