Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học, bước đầu đạt được những thành công ấn tượng.
Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) là một lĩnh vực trong khoa học máy tính, nghiên cứu và phát triển các hệ thống, phần mềm có khả năng thực hiện những công việc cần đến trí óc con người, như nhận thức, học hỏi, ra quyết định, hiểu ngôn ngữ, nhận diện hình ảnh, sáng tạo nội dung...
Thầy giáo Phùng Văn Kiệm, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc hướng dẫn các em Tạ Thị Thu Hằng và Nguyễn Bảo Anh nghiên cứu dự án khoa học về trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Trà Hương
AI là công nghệ đột phá mang lại nhiều cơ hội mới cho giáo dục, giúp cải thiện chất lượng giảng dạy, đồng thời hỗ trợ học sinh và giáo viên phát triển các kỹ năng quan trọng trong kỷ nguyên số.
Ngành GDĐT Vĩnh Phúc đang từng bước tiếp cận và thúc đẩy ứng dụng AI trong hoạt động giáo dục; khuyến khích cán bộ, giáo viên áp dụng AI vào công tác quản lý và giảng dạy. Ứng dụng điển hình của AI trong ngành GDĐT tỉnh hiện nay là việc giáo viên sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ soạn giáo án, xây dựng bài giảng hay.
Cô giáo Đào Thị Thu Hà, Trường mầm non Khai Quang (Vĩnh Yên) chia sẻ: “Từ những kiến thức được tập huấn, tôi đã ứng dụng AI trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; sử dụng ChatGPT để soạn giáo án, xây dựng các hoạt động giáo dục và tham khảo các phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng độ tuổi của trẻ. Việc sử dụng ChatGPT không chỉ giúp tôi tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao chất lượng bài giảng”.
Giáo viên Trường mầm non Khai Quang (Vĩnh Yên) ứng dụng ChatGPT soạn giáo án. Ảnh: Trà Hương
Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc là điểm sáng trong việc ứng dụng AI. Nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn và tạo điều kiện về cơ sở vật chất để giáo viên ứng dụng AI trong dạy học; đồng thời khuyến khích giáo viên, học sinh tích cực nghiên cứu các dự án khoa học kỹ thuật (KHKT) liên quan đến AI.
Thầy giáo Phùng Văn Kiệm, giáo viên môn Công nghệ đã hướng dẫn nhiều học sinh thực hiện các dự án đạt giải cao tại các cuộc thi KHKT, trí tuệ nhân tạo.
Năm học 2023 - 2024, thầy Phùng Văn Kiệm hướng dẫn em Nguyễn Ngọc Duy thực hiện 2 bài luận “Liệu có bất kỳ giới hạn nào về khả năng của AI?”, “Chia sẻ hiểu biết của bạn về Interledger và liệu nó sẽ thay đổi thế giới như thế nào?” đạt giải Nhất trong cuộc thi Trí tuệ nhân tạo AI - Contest 2023 do Báo VietNamNet phối hợp với VLAB Innovation tổ chức.
Bài thi của Nguyễn Ngọc Duy hoàn thành xuất sắc, được các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong nước và các trường Đại học Harvard, MIT đánh giá vượt qua khuôn khổ của học sinh THPT.
Sau đó, thầy Kiệm tiếp tục hướng dẫn Nguyễn Ngọc Duy và Nguyễn Văn Hiếu áp dụng AI vào dự án “Vòng điều hướng cho người khiếm thị sử dụng công nghệ xe tự hành” đạt giải Nhì cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024. Dự án được đánh giá cao bởi sự sáng tạo và ý nghĩa nhân văn của sản phẩm sử dụngAI, giúp người khiếm thị di chuyển thuận lợi.
Vừa qua, thầy Kiệm tiếp tục hướng dẫn em Tạ Thị Thu Hằng và Nguyễn Bảo Anh, học sinh lớp 11A11 thực hiện 2 bài tiểu luận “Tìm hiểu về hiểm họa AI trong sự sáng tạo” và “Tích hợp AI vào môi trường giáo dục để đáp ứng các nhu cầu cảm xúc của học sinh” tham dự cuộc thi Trí tuệ nhân tạo AI - Contest 2024; dự án “SmartGaze - Kính mắt thông minh” tham dự cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2024 - 2025.
Thu Hằng cho biết: “Dự án SmartGaze - Kính mắt thông minh của chúng em áp dụng AI để nghiên cứu kính thông minh nhằm cảnh báo buồn ngủ khi học tập, lái xe và tích hợp AI hỗ trợ học tập.
Đối với hai bài luận dự thi Trí tuệ nhân tạo AI - Contest 2024, AI sẽ xây dựng mô hình lớp học và nhận diện cảm xúc hứng khởi hay lo âu căng thẳng của học sinh để cảnh báo cho các em chủ động điều chỉnh cảm xúc, bảo vệ sức khỏe tinh thần để học tập tốt.
Quá trình nghiên cứu, chúng em gặp nhiều khó khăn vì lĩnh vực AI này chưa có nhiều nghiên cứu, nhưng chúng em luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà trường và sự hướng dẫn tận tình của thầy Kiệm.
Thầy Kiệm giúp chúng em tìm kiếm thông tin, xin ý kiến tư vấn từ các chuyên gia để chúng em hoàn thành sản phẩm dự thi. Thông qua các dự án khoa học, chúng em hiểu sâu hơn về công nghệ AI và phát triển các kỹ năng làm việc, nghiên cứu, giải quyết vấn đề trong kỷ nguyên số”.
Thầy giáo Phan Dương Cẩn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc chia sẻ: “Việc tích cực ứng dụng AI trong giảng dạy, học tập và nhiều dự án đạt giải cao đã khẳng định sự chủ động tiếp cận công nghệ tiên tiến và khả năng sáng tạo của giáo viên và học sinh; đồng thời thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của môi trường giáo dục tại đơn vị. Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao năng lực số, năng lực áp dụng AI trong hoạt động dạy học để đưa nhà trường trở thành trung tâm nghiên cứu, trải nghiệm”.
Những thành công bước đầu ứng dụng AI trong giáo dục là minh chứng rõ nét cho khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến của ngành GDĐT tỉnh. Đây là tiền đề để Vĩnh Phúc tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong việc áp dụng công nghệ AI để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện trong thời đại số.
Trong tương lai, ngành GDĐT tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng gắn liền với các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là AI, tạo chìa khóa mở ra cánh cửa thành công trong việc hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Minh Hường