Nuôi bò thịt thâm canh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, không lo đầu ra, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5-2 lần so với nuôi theo phương thức truyền thống.
Chọn giống phù hợp để nuôi bò thịt thâm canh sẽ đem lại hiệu quả với từng vùng đất, từng điều kiện chăn nuôi của các địa phương. Ảnh: Võ Dũng
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị xây dựng mô hình nuôi bò thịt thâm canh hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong) và xã Hải Phú (huyện Hải Lăng).
Trước khi triển khai, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp tổ khuyến nông cộng đồng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng; cách chế biến và ủ chua dự trữ thức ăn cho bò, ủ lên men cá để làm cao đạm cá. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% vật tư đầu vào.
Giống bò hướng thịt (lai BBB) 8 tháng tuổi được tuyển chọn, là kết quả của chương trình cải tạo đàn bò dùng tinh bò BBB phối giống cho bò cái nền lai Zebu F1, F2.
Đây là giống bò có năng suất cao và thích nghi tốt với điều kiện môi trường, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh tại Quảng Trị. Bò giống được tiêm đầy đủ các loại vacxin theo quy định, tẩy giun, sán, nội ký sinh trùng.
Chuồng bò được xây dựng thoáng mát vào mùa hè, ấm áp về mùa đông; đảm bảo diện tích để nuôi nhốt, có hàng rào ngăn cách, có khu vực chế biến, phối trộn thức ăn. Khẩu phần ăn phù hợp với lứa tuổi, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của bò thịt và được cân đối, điều chỉnh theo mức tăng trọng cũng như điều kiện thực tế. Thức ăn thô xanh 10 - 15%, thức ăn tinh 1-1,5% trọng lượng bò.
Đàn bò được cho ăn cùng một lúc, chia thành 2 bữa; thức ăn tinh cho ăn trước, thức ăn thô cho ăn sau. Nước uống được cung cấp đầy đủ, thường xuyên, bò uống tự do, hòa thêm muối để bổ sung lượng muối khoáng còn thiếu trong khẩu phần ăn.
Riêng mô hình tại xã Hải Phú tiêm Pheromone và đạm cá trong khẩu phần ăn cho toàn đàn bò kể từ khi bắt đầu giai đoạn vỗ béo (18-21 tháng tuổi). Điều này giúp bò giảm căng thẳng khi nuôi nhốt chuồng, phát triển cơ bắp, khả năng tăng trọng tốt hơn.
Ông Trần Kim Quang, chủ hộ tham gia mô hình tại xã Hải Phú cho biết, bò được kiểm tra sức khỏe, tắm chải thường xuyên; máng ăn, máng uống được vệ sinh sạch sẽ; tiêu độc chuồng trại bằng thuốc sát trùng, vôi định kỳ.
Sau 10 tháng nuôi, bò đạt trọng lượng gần 480 kg, tăng trọng trên 0,9 kg/con/ngày. doanh thu đạt trên 410 triệu đồng, lợi nhuận gần 100 triệu đồng; cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với phương thức chăn nuôi truyền thống hiện nay.
Theo ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, việc tham gia mô hình giúp người dân cải thiện kỹ năng chăn nuôi, thúc đẩy tinh thần hợp tác, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi trong cộng đồng.
Đây sẽ là cơ sở để các địa phương xây dựng vùng chuyên canh bò sinh sản, bò thịt, trồng cây thức ăn tạo nguồn cung cấp bò giống, bò thịt, thức ăn chất lượng cao, bảo đảm cung cấp các sản phẩm thịt bò phục vụ nhu cầu tiêu dùng, hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình khuyến khích việc trồng cỏ và các loại cây trồng làm thức ăn gia súc trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn bên ngoài. Đây là một hướng đi hiệu quả và bền vững hơn, giúp tăng thêm thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị nhấn mạnh, thông qua hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp và thương lái, người chăn nuôi không phải lo lắng tìm kiếm thị trường tiêu thụ hoặc rủi ro do giá cả biến động. Mô hình đã giúp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, từ đó ổn định nguồn thu nhập cho các hộ dân.
Hương Hoài (Theo nongnghiep.vn)