Ngày 9/11, hướng tới kỷ niệm 95 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-2025), 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), Báo Nghệ An cùng Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phối hợp tổ chức ra mắt chuyên trang báo chí dữ liệu Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Các đại biểu tham quan trưng bày hình ảnh tư liệu về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An,... đã đến dự sự kiện.
Cách đây 94 năm, khi nhân dân ta còn phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” lầm than nô lệ, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới ra đời, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn mạnh với đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đầu năm 1930, phong trào đấu tranh của nhân dân bùng lên mạnh mẽ trên khắp cả ba miền bắc, trung, nam. Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Phong trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Nghệ An và Hà Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất.
Giao diện chuyên trang báo chí Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Từ tháng 5 - 8/1930, ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân.
Ngày 1/8/1930, công nhân Khu công nghiệp Vinh-Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ-Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc (ngày 4/8), Nam Đàn (ngày 6/8 và 30/8), Thanh Chương (ngày 12/8), Nghi Lộc (ngày 29/8) và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong hai tỉnh.
Tháng 9/1930, phong trào công-nông phát triển tới đỉnh cao. Quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh-Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Thực dân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương, càng làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết.
Chính quyền Xô Viết đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân, tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình, thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Các đại biểu tham dự sự kiện.
Phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ở nước ta. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930-1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.
Từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã từng bước thực hiện thắng lợi những mục tiêu của con đường đã lựa chọn.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Với sự phối hợp của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và sự hỗ trợ từ các công nghệ hiện đại, ưu việt, Báo Nghệ An đã tập hợp, số hóa các nguồn tư liệu lịch sử để đưa lên chuyên trang 198 bài viết, phim tư liệu cùng hơn 1.000 hình ảnh, tư liệu liên quan đến Cao trào Xô Viết, được tập hợp thành các chủ đề: Bối cảnh lịch sử; Rung trời chuyển đất; Sáng mãi ngọn lửa thiêng; Địa chỉ đỏ; Những tấm gương cộng sản,...
Chuyên trang được thiết thiết kế hiện đại, trực quan, sinh động, thân thiện với độc giả. Các bài viết, tuyến bài viết được trình bày ở nhiều thể loại khác nhau như E-magazine, infographics, timeline, ebook..., không chỉ tái hiện lại bối cảnh, diễn biến, ý nghĩa lịch sử của cao trào cách mạng 1930-1931 trên quê hương xứ Nghệ anh hùng mà còn là “địa chỉ đỏ trên không gian mạng”, giúp độc giả, cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể tra cứu nhiều tư liệu khác nhau về Xô viết Nghệ Tĩnh. Chuyên trang cũng là sự cụ thể hóa một trong những nội dung của đề án nâng cao chất lượng toàn diện gắn với chuyển đổi số Báo Nghệ An.
Ông Ngô Đức Kiên, Tổng Biên tập Báo Nghệ An chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng rằng, chuyên trang này sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy, giúp thế hệ hôm nay và mai sau có thể tìm hiểu, học hỏi và ôn lại những giá trị lịch sử ý nghĩa của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh”.
Phát biểu tại lễ ra mắt chuyên trang, ông Ngô Đức Kiên, Tổng Biên tập Báo Nghệ An cho biết: Năm 2024 là một năm bản lề với nhiều bước tiến mới của Báo Nghệ An trong lộ trình chuyển đổi số. Đầu năm nay, Báo Nghệ An đã ra mắt giao diện điện tử mới và hệ thống quản trị nội dung (CMS) hoàn toàn mới, đánh dấu một bước đột phá trong việc tối ưu hóa quy trình xuất bản, giúp đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm việc nhanh nhạy, sáng tạo hơn và mang lại những trải nghiệm tiện lợi cho độc giả trên mọi thiết bị. Cũng trong năm 2024, Báo Nghệ An tự hào giới thiệu chuyên trang báo chí dữ liệu "Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương Nghệ An", một dự án thể hiện lòng kính yêu, biết ơn sâu sắc với công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu.
“Việc ra mắt chuyên trang Báo chí dữ liệu Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh hôm nay là cột mốc mới của Báo Nghệ An trên lộ trình hoàn thiện, trưởng thành và thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, tiếp tục vượt lên mọi thách thức để chiếm lĩnh trận địa tuyên truyền trên các nền tảng số, không gian số”, Tổng Biên tập Báo Nghệ An nhấn mạnh.
(Theo Báo Nhân Dân)