Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà giáo.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ ngày 9/11.
Tham gia thảo luận tại Tổ 5 cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.
Bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn hiện nay, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ khái niệm tại Khoản 5 “Cán bộ quản lý giáo dục” và Khoản 7 “Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục” vì cho rằng chưa phù hợp. Đồng thời giải thích bổ sung một số từ ngữ: Nhà giáo; hệ thống giáo dục quốc dân; hoạt động nhà giáo; phát triển nhà giáo; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.
Về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng tại Điểm a, Khoản 1 quy định về tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo không phù hợp mà cần kết hợp với quy định phải căn cứ vào nhu cầu cần tuyển dụng nhà giáo.
Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28 cần làm rõ ngoài các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo tại các cơ sở ngoài công lập có được hưởng các chính sách quy định tại điều này không? Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để bảo đảm tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội.
Liên quan đến chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo tại Khoản 2, Điều 30 quy định: Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm nom nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 năm tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần quy định thêm điều kiện là thời gian tham gia đóng bảo hiểm liên tục phải đủ từ 25 năm trở lên.
Để bảo đảm giáo viên, giảng viên đáp ứng vai trò, vị trí của nhà giáo quy định tại Điều 3, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên, giảng viên trong tương lai, tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, giảng viên có đầu vào gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến cũng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về quản lý nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo; quy định chuyển tiếp đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ngoài công lập…
Thiệu Vũ